MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhóm người của Tập đoàn Đèo Cả chặn xe, bắt nhà báo đứng giữa đường trong thời tiết nắng gắt. Ảnh: Nhà báo Quốc Triều cung cấp

Cản trở nhà báo trái phép, Đèo Cả không thể đuối lý lại muốn làm hòa

Duy Thiên LDO | 31/05/2023 11:35

Liên tiếp trong thời gian qua, nhà báo tác nghiệp bị cản trở, đe dọa, hành hung, dọa giết, thậm chí còn cả nghi vấn vu khống trắng trợn đang chờ làm rõ. Những kẻ côn đồ ấy - tiếc thay - có khi lại là những nhân sự chức trách của nhiều doanh nghiệp. 

Ngày 29.5, 3 nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam, Báo Dân trí, Báo Tri thức và Cuộc sống khi đang di chuyển trên đường ở Quảng Ngãi thì bất ngờ bị nhóm 6 người của Tập đoàn Đèo Cả vô cớ lao ra chặn xe, không cho di chuyển, đòi kiểm tra thiết bị cá nhân, bắt đứng giữa trời nắng gắt... 

Hàng loạt các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật diễn ra, giữa thanh thiên bạch nhật. Cùng với đó là vu khống nhóm phóng viên đã xâm phạm vào phạm vi dự án đang thi công của tập đoàn này. Thế nên mới có chuyện nhân viên an ninh “mời” các nhà báo vào nhà điều hành dự án, bất chấp họ không có nhu cầu làm việc với Tập đoàn Đèo Cả. 

Ngày 30.5, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã chỉ đạo xác minh vụ việc. Cùng ngày, trong buổi làm việc cùng  Sở Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi, cuối cùng đại diện Tập đoàn Đèo Cả buộc phải thừa nhận nhóm phóng viên không đi vào phạm vi thi công của đơn vị này. Đồng thời, đại diện Tập đoàn Đèo Cả mong muốn hòa giải, rút kinh nghiệm do nhân viên ứng xử thiếu tế nhị, dẫn đến hiểu nhầm và sẽ chấn chỉnh những người liên quan.

Vậy là sau lúc “lên gân”, cãi lý không nổi, đại diện Tập đoàn Đèo Cả lại xuống nước làm hòa. Cũng may, các nhà báo kịp thời được chính quyền bảo vệ, nên chưa có hậu quả gì đáng tiếc. Càng may cho nhân viên Đèo Cả, không cố tình lôi kéo, khống chế nhóm phóng viên buộc vào trụ sở, nếu không lại mười mươi dấu hiệu của tội “giữ người trái pháp luật”. 

Rút kinh nghiệm thì đương nhiên rồi, không thể hễ “giật mình” là xông ra cản trở công dân trái pháp luật. Nhưng không xử lý rốt ráo, làm gương, e rằng ở nhiều nơi, nhiều người còn nhờn luật.

Mới nhất, trong tháng này, phóng viên Báo Tiền phong vừa bị dọa “giết cả nhà” sau khi điều tra các đối tượng mua bán đất nông nghiệp trái phép để thi công một số tuyến đường giao thông ở Đắk Lắk. 

Hồi tháng 3.2023, nhóm phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay cũng bị nhóm người tự xưng là giám đốc và bảo vệ lao vào hành hung tại Nhà máy giấy Thuận Phát (tỉnh Hòa Bình). 

Trước đó, ngày 12.2.2023, phóng viên chuyên đề Công an TP.HCM tại Đà Nẵng cũng trình báo về việc bị dọa giết. 

Xa hơn, tháng 10.2022, phóng viên của Báo Giao thông thường trú tại Bắc Giang cũng nhận được cuộc gọi từ một số máy lạ với nội dung đe dọa sẽ bị giết cả nhà.

Để Nhà báo hoàn thành nhiệm vụ thì Nhà báo cần được bảo vệ, để có thể đối đầu với những thế lực muốn bưng bít sự thật bằng hành vi trái pháp luật. Không thể chấp nhận hành vi cản trở Nhà báo, sau khi hùng hổ, dọa nạt, gây sức ép rồi nhận sai để “hòa cả làng” như cách mà Tập đoàn Đèo Cả đang làm.   

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn