MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một đoạn Sông Cà Ty nơi ông H.P.T cho rằng có "kho báu 3 tấn vàng". Ảnh: Duy Tuấn

Cẩn trọng từ vụ kho vàng 4.000 tấn ở núi Tàu đến kho báu dưới sông Cà Ty

Lê Thanh Phong LDO | 10/04/2024 20:00

Thông tin ông Huỳnh Phú Tân làm đơn gửi cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận xin khai quật kho báu dưới sông Cà Ty thu hút sự quan tâm của dư luận.

Ông Huỳnh Phú Tân cho biết đã liên kết với các công ty có chuyên môn trong xây dựng để tổ chức khai quật khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Không biết tư liệu về kho báu chính xác hay không, nhưng ông Tân quả quyết chỉ một mình ông biết địa điểm chôn giấu khoảng 3 tấn vàng của quân đội Nhật. Chuyện này do chính ông tổ của gia đình ông phát hiện và truyền lại. Chính vì vậy nên trong đơn gửi các cơ quan chức năng của chính quyền địa phương, ông Tân xin khai thác mà không cần thăm dò, vì ông biết chắc chắn địa điểm của kho báu.

Ông Huỳnh Phú Tân tự tin vào tư liệu của ông tổ gia đình ông để lại là rất chính xác, cho nên ông đưa ra thời gian khai thác từ ngày 1.5 - 10.5.2024, hoặc phương án 2 từ ngày 10.2 - 20.2.2025. Có nghĩa là chỉ trong 10 ngày.

Chuyện đi tìm kho báu không phải mới, cũng trên vùng đất Bình Thuận, cách đây 13 năm, ông Trần Văn Tiệp trình báo và xin phép khai thác kho vàng 4.000 tấn do một vị tướng người Nhật Bản chôn giấu ở Núi Tàu. Nhiều cuộc tìm kiếm kéo dài, chính quyền gia hạn thời gian khai thác nhiều lần, đến cuối năm 2014 thì chấm dứt.

Ông Trần Văn Tiệp trắng tay vì giấc mơ kho báu, nhưng có người còn mất luôn cả sinh mạng vì đeo đuổi cuộc tìm kiếm kho tàng trong vô vọng. Đó là ông Nguyễn Hồng Công (SN 1952, quê xã Hải Thượng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa), đã tìm kiếm kho báu được cho là của vua Hàm Nghi chôn giấu ở Hóa Sơn, Quảng Bình suốt 31 năm. Cuộc tìm kiếm kéo dài xuyên hai thế kỷ khiến cho ông Nguyễn Hồng Công sức tàn lực kiệt, chết trong chiếc lán giữa rừng núi hoang vu.

Những câu chuyện tìm kiếm kho báu còn đó, như nhắc nhở cho chính quyền và người xin phép khai thác cẩn trọng. Phải xác định sự tồn tại của kho báu có cơ sở, có căn cứ, không phải là "hoang tưởng", để không mất thời gian, tốn kém công sức tiền của vô ích.

Sự tốn kém tiền bạc của cá nhân người tìm kiếm cũng là sự lãng phí xã hội, chưa kể chính quyền phải mất thời gian trong công tác quản lý, môi trường của khu vực sông Cà Ty ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.

Việt Nam có luật pháp quy định liên quan đến khai thác "kho báu", đó là những quy định tại Nghị định 29/2018/NĐ-CP về việc tổ chức thăm dò, khai quật, trục vớt tài sản bị chôn giấu, bị vùi lấp, chìm đắm và việc xác lập quyền sở hữu với tài sản. Ông Huỳnh Phú Tân sẽ được pháp luật bảo đảm quyền sở hữu tài sản nếu khai thác được 3 tấn vàng dưới sông Cà Ty.

Nhưng, thông tin về kho báu thật giả khôn lường, phải cân nhắc thật kỹ trước khi bắt tay khai thác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn