MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa tạm giữ lô hàng hơn 3 tấn cá khoai ướp phoóc môn hôm tháng 7.2023. Ảnh: Trần Lâm

Cần truy tố đối tượng dùng phoóc môn ướp cá, trộn hóa chất công nghiệp vào cà phê

Thanh Hải LDO | 14/11/2023 19:13

Vì lợi nhuận, gian thương sẵn sàng "đầu độc" người tiêu dùng bằng cách ướp tẩm phoóc môn vào cá, trộn các loại hóa chất công nghiệp để tạo màu, mùi, vị vào thức ăn, cà phê. Các vụ việc này liên tục bị phát hiện, xử lý nhưng không thể kiểm soát hết trên thị trường, nên sức khỏe người dân bị đe dọa.

Chỉ với phương pháp xét nghiệm là test nhanh, cơ quan chức năng huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình hôm 13.11 đã phát hiện trên mẫu thực phẩm cá khoai (còn gọi cá cháo) tại một số chợ trên địa bàn dương tính với phoóc môn (formaldehyde).

Trước đó không lâu, ngày 17.10.2023, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa và Cục Quản lý thị trường, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Thanh Hóa đã bắt quả tang một ôtô tải đang vận chuyển 181 thùng xốp chứa 3,2 tấn cá khoai ướp phoóc môn trên đường đi tiêu thụ....

Những vụ việc tương tự đã xảy ra ở nhiều địa phương ven biển trên cả nước bởi cá khoai dễ hư hỏng, tan vữa chỉ sau hơn 2 ngày đánh bắt, để bảo quản được lâu, đơn giản nhất, gian thương đã ướp phoóc môn.

Phoóc môn thuộc danh mục chất cấm trong sản xuất, bảo quản và chế biến thực phẩm vì cực độc. Phoóc môn khi xâm nhập vào người có thể gây khó tiêu hóa, viêm loét thực quản, dạ dày, ruột… Nếu nhiễm lượng cao sẽ gây tử vong. Tồn lưu nồng độ phoóc môn cao có thể dẫn đến bị ung thư mô, gây ra các vấn đề với gan, tụy và phổi...

Không chỉ cá khoai mà hiện nay còn có nhiều loại thủy hải sản, nông sản thực phẩm khác bị lạm dụng các chất cấm, hóa chất công nghiệp để bảo quản, sản xuất... Tuy nhiên, số vụ việc bị phát hiện, xử lý chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Mới đây, Công an Đắk Lắk đã phát hiện 2 cơ sở sản xuất cà phê giả từ nơi khác, chở ngược đi các tỉnh tiêu thụ, trong đó có thị trường Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - thủ phủ cà phê thế giới.

Điều đáng kinh ngạc là các nghi phạm đã khai nhận trong sản phẩm cà phê rởm này sử dụng đến 70% đậu nành, 10% bắp và chỉ 20% là cà phê nhân. Ngoài ra còn có bơ công nghiệp, hương liệu, chất tạo màu, vị, đường hóa học, thậm chí là hàm lượng cafeine công nghiệp (tức từ hóa chất)…

Theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, trong 7 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng ở tỉnh này phát hiện, thụ lý 6 vụ việc có dấu hiệu tội phạm về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là cà phê bột.

Thống kê khác của Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là quốc gia trong top đầu thế giới về căn bệnh ung thư. Mỗi năm, cả nước có khoảng 200.000 ca bệnh, hơn 100.000 ca tử vong.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ung thư, song 2 nhóm yếu tố có tác động lớn đó là hành vi lối sống và môi trường. Trong đó, thực phẩm qua "con đường" ăn uống gây ra bệnh tật nhiều nhất.

Vì vậy, hành vi tẩm phoóc môn vào cá khoai, trộn hóa chất công nghiệp trong sản xuất cà phê, hay các loại nông sản thực phẩm, không chỉ là gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, kém chất lượng... mà còn là tội ác. Phạt hành chính, nộp tiền, hủy sản phẩm là hình thức xử lý còn quá nhẹ. Vụ việc có thể nhỏ lẻ, nhưng hậu quả là sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Người dân dùng phải sản phẩm có sử dụng chất cấm, hóa chất công nghiệp trộn lẫn, trước mắt có thể chỉ ngộ độc, tích tụ lâu dài, sẽ bị ung thư, nhưng không ai chịu trách nhiệm.

Vì vậy, cần truy tố các đối tượng có hành vi sử dụng chất cấm, hóa chất công nghiệp trong bảo quản, sản xuất thực phẩm, đồ ăn uống... thì mới mong có sức răn đe.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn