MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cấp cứu phải xin giấy phép, đừng làm khổ dân thêm

Lê Thanh Phong LDO | 21/09/2021 06:30
Ông Lê Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu Giám đốc Sở Y tế thu hồi văn bản yêu cầu người nhà bệnh nhân phải nộp hồ sơ xin Sở GTVT mới cho chuyển viện. Ông Khánh cũng chỉ đạo các sở, ngành, UBND các địa phương không ban hành các quy định gây khó khăn, bức xúc cho người dân.

Không bức xúc sao được khi ngày 15.9, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản hướng dẫn, sau khi có giấy chuyển tuyến của bệnh viện tuyến tỉnh, gia đình bệnh nhân nộp hồ sơ cho Sở GTVT. Sở GTVT phối hợp Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh giải quyết. Hồ sơ xin chuyển viện gồm có giấy chuyển tuyến do bệnh viện tuyến tỉnh cấp, giấy hẹn khám lại của bệnh viện ngoài tỉnh (nếu có) và phương án di chuyển do UBND cấp xã phê duyệt.

Khi bệnh nhân quá nặng mới chuyển viện lại phải thực hiện một đống thủ tục như Sở Y tế quy định, thì còn thời gian đâu để cứu người. Chưa chết vì con “cô vít” mà chết vì căn bệnh đang mắc phải cần được cứu chữa kịp thời.

Khi đặt bút ký ban hành một quy định, cần nghĩ sâu về chữ dân.

Vụ này không phải là chuyện mới tại địa phương này. Ngày 9.9, TP.Vũng Tàu ban hành văn bản quy định về phương án tổ chức phân chia khung giờ, phân luồng, phân tuyến của các trường hợp được phép lưu thông.

Nhưng ngay sau đó, ngày 10.9, Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản đề nghi UBND thành phố Vũng Tàu điều chỉnh, bổ sung các nội dung trong văn bản trên, do có nhiều nội dung chưa phù hợp với các văn bản do Chính phủ, Bộ GTVT, UBND tỉnh đã ban hành.

Chưa hết, tại thông báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 ngày 9.9 của thành phố Vũng Tàu, còn có quy định trường hợp đi “cấp cứu” phải được phép của chính quyền phường, xã.

Quy định này gây bức xúc trong người dân vì “cấp cứu” thì làm sao biết được mà xin phép. Và nếu chờ để làm xong giấy phép thì bệnh nhân có còn được cấp cứu kịp không. Quy định này đã vì thế mà bị rút lại.

Địa phương đưa ra những quy định phòng chống dịch là cần thiết, nhưng không được xung đột với các quy định của cơ quan cao hơn, đó là nguyên tắc tối thiểu.

Phòng dịch nhưng không “sản xuất” các giấy phép con, giao quyền hạn cho phường xã tới mức là “cấp phép” cho người đi cấp cứu. Đó là xâm phạm tới quyền tối thiểu của người dân, quyền được cứu mạng sống. Phòng dịch tốt, nhưng vẫn tạo điều kiện cho người dân được đi lại, làm ăn, sản xuất để người dân được có cái ăn, có thu nhập. Còn siết chặt dân bằng những quy định bất hợp lý và cực đoan thì chỉ làm khổ dân thêm mà thôi. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn