MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình từng giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra sai phạm tại dự án 33 Nguyễn Du -TPHCM.

“Cạp đất” là có thật?

Anh Đào LDO | 01/12/2019 09:21

Nằng nặc xin làm dự án. Nằng nặc xin liên doanh. Nằng nặc xin góp vốn bằng đất. Và sau đó, cũng nằng nặc, bằng mọi cách xin thoái vốn. Dường như các vụ đất công sản trở thành đất của riêng có một kịch bản chung.

Kịch bản trên xảy ra trong vụ thâu tóm đất kim cương 8-12 Lê Duẩn liên quan đến cựu Phó Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) Nguyễn Thành Tài.

Kịch bản trên cũng xảy ra trong vụ công ty Yên Thành của người cháu “Út trọc” bỏ túi lô đất “vàng” 3.531 m2 tại số 7-9 Tôn Đức Thắng - TPHCM.

Và trong vụ đất 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh của Vinafood 2 tại TPHCM, nó cũng không khác mảy may.

Đầu tiên, cũng xin làm dự án khách sạn, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại 72 tầng, rồi xin lập liên doanh.

Sau đó tiếp tục xin góp vốn bằng đất. Giá đất vàng (giá thị trường thời điểm đó tương đương 2.000 tỉ) sau đó được “định giá bùn” 633 tỉ.

Đền bù mạt hạng khiến các hộ dân khiếu kiện suốt 10 năm qua. Và sau đó, họ tìm mọi cách thoái vốn 20% góp bằng đất, chuyển hẳn quyền sử dụng sang “đối tác”. Nghĩa là doanh nghiệp nhà nước rút đi, cầm một ít tiền lẻ, để lại số đất giá trị thực nghìn tỷ đó cho những ai còn lại trong liên doanh.

Trong bài viết mang tính chất thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi đầu tuần có một điểm nhấn rất quan trọng. Đó là sẽ tiến tới đảm bảo “bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực...".

Điểm nhấn này xuất phát từ thực tế “Cơ chế phân bổ nguồn lực còn nhiều bất cập, làm cho chủ thể có khả năng sử dụng hiệu quả nguồn lực nhiều khi thiếu cơ hội tiếp cận, còn chủ thể nắm giữ nguồn lực lại sử dụng kém hiệu quả, gây lãng phí."

Và Thủ tướng kiên quyết rằng “Nghịch lý trên đây phải nhanh chóng được khắc phục”.

Chúng ta có một báo cáo, dù chưa hề đầy đủ từ 36/74 tập đoàn kinh tế, tổng công ty trên 47/63 tỉnh về tình hình quản lý, sử dụng đất của các doanh nghiệp sau cổ phần hoá cho thấy các doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng hơn 327.000 ha đất - một nguồn lực cực lớn.

Ngay Vinafood 2 và các đơn vị thành viên cũng đang nắm giữ một khối tài sản, một nguồn lực phải nói là khổng lồ với 146 cơ sở nhà đất, tổng diện tích 3.405.950 m2. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh là 89.842 m2.

Và trong khi nhiệm vụ chính gắn với chữ “lương thực” trên tên gọi doanh nghiệp thì liên tục thua lỗ, mất thị trường, thì doanh nghiệp này lại xin bán xăng, xin kinh doanh bất động sản, xin làm điểm đỗ xe... thực chất cũng là để “cạp đất” - với đúng nghĩa đen.

Nguồn lực đất đai đang được sử dụng thiếu hiệu quả, lãng phí quá lớn. Nhưng điều đó còn chưa nguy hiểm bằng việc liên doanh làm dự án mà trong nhiều trường hợp - báo chí đã gọi đúng tên- là “phù phép” để biến công sản nhà nước thành đất tư nhân.

Nếu muốn một sự bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, có lẽ, nên bắt đầu bằng việc làm rõ trắng đen vụ đất vàng 33 Nguyễn Du không chỉ vì nguy cơ thất thoát tới 1.500 tỉ.

Thất thoát ấy lớn, nhưng không nguy hiểm bằng việc không nhìn thấy những lỗ hổng chính sách, khiến nguồn lực quan trọng ấy trở thành của riêng của một số người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn