MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề do thường xuyên bị cắt điện. Ảnh Minh Hương

Cắt điện, mất đơn hàng, ai đền bù thiệt hại?

Hoàng Lâm LDO | 08/06/2023 08:38

Đã đến lúc phải quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của Bộ Công Thương, EVN về những thiệt hại vật chất của người dân, doanh nghiệp khi thường xuyên bị cắt điện.

Một doanh nghiệp ở Bắc Ninh khó khăn lắm mới tìm được đơn hàng, “vui chưa tày gang”, thì liên tục gặp sự cố mất điện khiến công nhân nghỉ làm, sản xuất ngưng trệ, nguy cơ phải đền bù hợp đồng là rất lớn.

Một doanh nghiệp khác có quy mô nhỏ hơn cố gắng giải quyết việc thiếu điện bằng việc mua dầu chạy máy nổ, nhưng chỉ mang tính chất tạm thời và thiệt hại từ việc mua dầu lên tới cả trăm triệu đồng.

Cụ thể hơn, một trang trại ở huyện Diễn Châu, Nghệ An thiệt hại khoảng 100 triệu đồng, sau khi gần 1.000 con gà sắp đến thời gian xuất chuồng bị chết do mất điện đột ngột.

Đó là những câu chuyện rất điển hình khiến nhiều doanh nghiệp, người dân bức xúc. Trong hợp đồng thì khách hàng không được chậm đóng tiền điện, còn ngành điện thì đưa ra đủ các lí do để cắt điện mà không quan tâm tới việc doanh nghiệp bị thiệt hại như thế nào.

Cho đến nay, chúng ta đang thiếu các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp điện khi gây thiệt hại cho đơn vị sản xuất, kinh doanh.

Theo quy định tại Nghị định 17/2022/NĐ-CP: Đối với hành vi thực hiện không đúng quyền hạn về ngừng, giảm mức cung cấp điện, không đúng trình tự, đơn vị bán lẻ điện bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng; đơn vị phân phối điện bị phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng.

Ngoài ra, đơn vị điện lực cắt điện sai quy định còn có thể phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Thế nhưng, Luật Điện lực lại cho phép cắt điện khi “có sự cố, do sự kiện bất khả kháng mà bên bán điện không kiểm soát được có nguy cơ làm mất an toàn nghiêm trọng hoặc do thiếu nguồn điện đe dọa đến an toàn của hệ thống điện”.

Nghĩa là việc cắt điện thì thường đúng quy trình, ngành điện đủ lí do để ngưng cung cấp điện trong khi chứng minh thiệt hại của đơn vị sản xuất do bị cắt điện lại rất phức tạp.

Thế nên, dù thiệt hại nặng nề, nhưng các doanh nghiệp hầu như không thể, hoặc không dám khởi kiện, yêu cầu bên cung cấp điện đền bù. Bởi ngành điện nắm đằng chuôi còn doanh nghiệp luôn ở thế bị lép vế trong quan hệ mua - bán điện.

Vấn đề ở đây là Bộ Công Thương, EVN không thể “vô can” trong nỗi thống khổ của đơn vị sản xuất khi bị cắt điện. Không thể phát triển công nghiệp nếu thiếu điện. Không thể “lót ổ” cho “đại bàng FDI” nếu nguồn điện cung cấp liên tục bật - tắt.

Thủ tướng đã ra Công điện 517 ngày 6.6.2023, về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới. Nhưng đã đến lúc phải quy định chặt hơn về trách nhiệm của ngành điện, trách nhiệm của những người đứng đầu lĩnh vực điện lực thì mới phần nào giảm bớt được điệp khúc “mất điện, mất đơn hàng, mất việc làm”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn