MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cát tặc trên sông Mã. Ảnh: Quách Du

“Cát tặc” là ai?

Xuân Hùng LDO | 05/10/2023 09:59

Ở Thanh Hóa, nạn khai thác cát trái phép trên sông Mã đã diễn ra từ lâu. Năm sau nhức nhối hơn năm trước. Các cơ quan chức năng đã xử lý không ít trường hợp nhưng càng xử lý, nạn “cát tặc” ngày càng lộng hành.

Dòng sông Mã thơ mộng, chở nặng phù sa tạo nên đồng bằng Thanh Hóa đang từng ngày bị đục khoét, nham nhở, loang lổ. Hàng nghìn héc ta đất bãi bồi bị kéo ụp xuống sông mang theo ruộng lúa, nương dâu, bãi khoai, mang theo mồ hôi nước mắt và sinh kế của người dân; chân đê bị lở lói, nứt nẻ gây nguy hiểm đến tính mạng người dân, tiêu tốn ngân sách nhà nước…

Vì sao các đối tượng lại manh động, bất chấp đến cùng như vậy?

Trước hết là lợi nhuận. Nhu cầu xây dựng các công trình dân dụng và công trình nhà nước trên địa bàn Thanh Hóa ngày càng cao, vì vậy, cát múc lên đến đâu bán hết đến đó. Có thời điểm, hầu hết mỏ cát trên địa bàn không còn cát để bán, giá cát bán tự do cao hơn nhiều giá quy định, vì vậy cát tặc mỗi ngày thu lợi rất lớn. Nếu làm một phép kiểm tra, số lượng cát bán ra của một đơn vị khai thác không đúng quy định so với số được cấp phép sẽ có sự chênh lệch rất lớn. Chỉ một vụ khai thác cát trái phép ở Vĩnh Lộc, nhóm đối tượng đã trục lợi gần 100 tỉ đồng…

Thứ hai là công tác quản lý còn nhiều sơ hở, đùn đẩy trách nhiệm và bao biện, chưa dứt khoát, mạnh tay. Việc đánh giá trữ lượng chưa sát đúng, dẫn đến việc con số được ghi trong giấy phép ít nhưng con số thực tế có thể khai thác lớn hơn rất nhiều lần. Việc giám sát các đơn vị được cấp phép khai thác còn lỏng lẻo, nhiều trường hợp buông lỏng để các chủ mỏ cát, các nhà thầu khai thác thích làm gì thì làm, thích kéo vòi hút ở đâu thì hút, không cần phao đánh dấu phạm vi khai thác, không cần biết phía trên là bờ bãi hay chân đê hay nhà dân...

Đụng đến trách nhiệm thì các cơ quan quản lý ở xã, huyện vẫn lặp đi lặp lại lý do: “Cát tặc hút ở khúc sông xã này nhưng khi vây bắt thì lại chạy ra xã khác” hay “đang cho kiểm tra, rà soát, sẽ xử lý theo quy định nếu có”… rồi lại than thở “lực lượng mỏng”, “phương tiện thiếu thốn”…

Những điều đó là thực tế nhưng với hệ thống quản lý các cấp từ tỉnh đến thôn, bản, với lực lượng bảo vệ pháp luật đầy đủ phương tiện, công cụ, không có lý do gì chúng ta lại bất lực trước cát tặc. Những gì mất do nạn cát tặc lộng hành gấp rất nhiều lần nếu đầu tư trang bị, lực lượng để chống nạn này.

Vậy “cát tặc” là ai? Là những người đang ngày đêm cắm vòi vào bờ bãi, chân đê. Nhưng liệu chỉ có những người này? Liệu có hay không việc bắt tay giữa các chủ mỏ cát với cơ quan chức năng trong việc đánh giá trữ lượng? Có hay không một vị đại gia, đại ca đứng ra đàm phán chia phần cho đơn vị nào được trúng thầu các mỏ cát? Có hay không việc ưu ái của người có thế lực cho con rể, cháu, em vợ, người thân trúng đấu giá những mỏ cát có lợi ích lớn? Có hay không một số “tay anh chị” cát cứ các mỏ cát?... Và rồi, liệu có hay không việc chia chác phần trăm với cấp quản lý cao hơn?

Cấp quyền khai thác mỏ cát kịp thời là động lực quan trọng để phát triển, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhưng nếu không kiên quyết đấu tranh với nạn cát tặc trên sông Mã thì cái chúng ta mất mát sẽ rất nhiều. Mất đất, mất hoa màu, mất ngân sách và nhiều hơn là mất niềm tin của nhân dân vào các cơ quan chức năng. Quản lý nạn cát tặc trên sông Mã không hề khó nếu minh bạch, công khai và quyết tâm, đồng bộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn