MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ cầu an đầu năm sẽ được Chùa Phúc Khánh tổ chức trực tuyến. Ảnh: LĐO

Cầu cho không bùng phát dịch COVID-19 cũng là cầu an

Lê Thanh Phong LDO | 23/02/2021 15:38

Các khóa lễ cầu an phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung nghi lễ không đúng chính pháp của Phật giáo. Đó là yêu cầu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với việc thực hiện lễ cầu quốc thái dân an trong dịp Tết cổ truyền xuân Tân Sửu trên cả nước.

Lễ cầu an là truyền thống văn hóa tâm linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, cầu cho nhà nhà bình an, người người hạnh phúc. Truyền thống đẹp nên giữ gìn, nhưng đừng biến tướng trở thành mê tín dị đoan.

Tết năm nay, đại dịch COVID-19 đe dọa một số địa phương, trong đó có Hà Nội, cho nên các cơ sở tôn giáo cũng như các tổ chức khác không tập trung đông người, đó là quy định phòng dịch. Và hơn ai hết, chính các cơ sở tôn giáo làm gương trước.

Chùa Phúc Khánh tổ chức lễ cầu an trực tuyến vào 20h ngày 14 tháng Giêng (âm lịch). Phật tử có thể theo dõi qua trang Facebook Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.

Như vậy là Phật tử sẽ không có tập trung tại chùa Phúc Khánh, quỳ tràn từ trong chùa ra đến lòng đường. Thử hình dung, nếu tập trung về chùa Phúc Khánh như mọi năm, chỉ cần trong đó có một người bị nhiễm virus SARS-CoV-2, thì chuyện gì sẽ xảy ra với Hà Nội, và khi Hà Nội bùng dịch, thì chuyện gì sẽ xảy ra với cả nước?

Lúc đó có phải là cầu an mà ra bất an hay không?

Cầu an trực tuyến cũng là cầu an, bởi vì cầu nguyện là từ tâm, là cá nhân của mỗi người với thần, Phật, đâu cần phải đến một địa chỉ nào mới phát được tâm.

Đã là cầu an, là kết nối giữa cá nhân với thần, Phật, thì bản thân hình thức nào, ngồi ở đâu cũng "trực tuyến". Cho nên, đến hay không đến chùa Phúc Khánh, việc cầu an không thay đổi, chỉ thay đổi hình thức.

Không tập trung đông người để phòng dịch, ở đâu cũng chấp hành quy định phòng dịch nghiêm túc, thì Hà Nội sẽ không bị bùng dịch, cả nước kiểm soát được dịch, đó chính là "an". Vậy thì, cầu cho không để bùng phát dịch COVID-19 cũng là cầu an.

Không đến chùa tập trung đông người chính là hành động mang đến sự an toàn.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến khích tăng ni, Phật tử ứng dụng các hình thức trực tuyến online phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân thông qua các nền tảng mạng xã hội của Giáo hội. Đây chính là cách để góp phần cùng chính quyền phòng chống dịch, nếu cơ sở nào cũng chấp hành nghiêm như chùa Phúc Khánh, thì không cần cầu an nhà nhà cũng được bình an trước đại dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn