MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân tòa nhà Keangnam (Hà Nội) kêu cứu Chính phủ.

Câu hỏi của tháng 5

Trần Đức Chính LDO | 17/05/2015 18:05
Hiệp định thương mại tự do đầu tiên được ký kết với Hàn Quốc, mở đầu cho năm hội nhập sâu 2015. Sau lễ ký kết, ngài bộ trưởng Hàn Quốc nói một câu xanh rờn: (Chúng ta) vượt qua núi Thái Sơn thấy đồng bằng. Ý rằng, từ nay con đường buôn bán, làm ăn của hai nước sẽ thênh thang.

Nông dân là tầng lớp hưởng lợi vì xuất khẩu được nhiều nông sản và hàng chế biến, kế đó là các ngành dệt may, da giày… Kim ngạch hai nước làm ăn tới năm 2020 sẽ đạt mức 70 tỉ đôla/năm. Đây là “mũi nhọn” đột phá của Việt Nam về kinh tế hội nhập.

“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, hôm sau, tòa nhà Keangnam Hà Nội 72 tầng, cao nhất nước và thứ 5 thế giới về tổng diện tích một công trình đơn lẻ (cao 350m) tuyên bố bán (cả cục) vì Keangnam “vỡ nợ”. Công trình này đầu tư đến 1,05 tỉ USD và tháp Keangnam nếu ai đã “cận cảnh” có thể nói rằng mình đã hiểu thế nào là đời sống của nhân loại. Tuy nhiên, Keangnam nổi tiếng hay vĩ đại bao nhiêu thì tiếng dở như phí dịch vụ quá đắt, nhà bán bằng USD, 3.000 đô/m2 và công ty này đã từng phải ra tòa Việt Nam vì tội ăn gian diện tích khi bán nhà. Phí dịch vụ 2% (khoảng 160 tỉ VND) đến nay Keangnam vẫn chưa chuyển cho ban quản trị tòa nhà, nếu bán thì dân Keangnam sẽ mất số tiền này. Ông chủ đã “phắn” thì tiền đâu để lo bảo trì, sửa chữa? Người dân đã kêu lên đến Chính phủ. Nghe nói, 2 ông khổng lồ tài chính là Goldman Sachs và Quỹ đầu tư Qatar đã xin mua Keangnam. Chuyện còn dài lắm….

Câu chuyện thứ hai không cao như "núi" Keangnam, nhưng lại dài như sông là các đoàn xe xuất khẩu nông sản nằm chờ ở Lào Cai cả tháng nay vì phía Trung Quốc chưa (hay không?) nhập như mọi năm. Sau hoa quả (dưa, thanh long), nay đến gạo cũng nằm chờ cửa khẩu tới hơn 30.000 tấn. Phía Việt Nam đã đề nghị chọn thêm mấy cửa khẩu nữa nhưng phía Trung Quốc không cho. Có nhận xét, phía Trung Quốc có ý đồ muốn Việt Nam chơi trò “tiểu ngạch” như xưa nay để kiếm ít tiền “bôi trơn”, sau đó sẽ chuyển sang trò ép giá. Dù Trung Quốc là nước người đông như kiến, mỗi năm thiếu tới 10 triệu tấn gạo thổi cơm nhưng khi giao thương vẫn “bầy hầy” như thế.

Còn trong nước, sáng kiến đầu tiên để cứu nông dân thuộc về văn phòng và công đoàn Bộ Thương mại đã mở đầu chiến dịch “dưa tình nghĩa”, giờ đã lan sang hành tím, muối. Thoạt đầu nghe, ai cũng thở phào, hy vọng. Nhưng một bác Thường vụ Quốc hội vừa phát biểu: Nhà tôi cũng mua một quả dưa tình nghĩa, nhưng không thể ăn quả thứ hai liên tục được. Vấn đề là Chính phủ phải có chiến lược gì cho chuyện này. Thế là dù cố gắng đến đâu, tấm lòng chúng ta vẫn “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, nhưng câu hỏi lớn tầm quốc gia vẫn chưa có lời đáp thỏa đáng(!?)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn