MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cây lau nhà cũng không chọi lại thiên hạ thì ai cứu cho đặng

Lê Thanh Phong LDO | 05/07/2019 16:45
Central Group đang nhập hàng của khoảng 4.000 nhà cung cấp VN cho hệ thống phân phối bán lẻ của Tập đoàn Central Group tại VN. Từ ngày 2.7, Central Group VN đã thông báo và đang tạm ngưng nhập khẩu hàng hóa của 200 nhà sản xuất ngành dệt may- ông Philippe Broianigo - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Central Group VN cho biết như vậy.

Đã có nhiều ý kiến phản đối, thậm chí đòi tẩy chay Big C khi có thông tin tạm dừng mua hàng của các doanh nghiệp cung ứng dệt may VN. Bảo vệ hàng sản xuất trong nước là cần thiết, và đương nhiên đã là người Việt thì ủng hộ hàng Việt.

Trong trường hợp này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã nêu quan điểm rõ ràng với lãnh đạo Tập đoàn Central Group VN: Nếu hàng hóa của nhà cung ứng không đảm bảo chất lượng, Tập đoàn Central Group có quyền từ chối đơn hàng. Tuy nhiên, khi muốn có sự thay đổi về chiến lược kinh doanh, phải có sự thông báo với nhà cung cấp và có lộ trình nhất định để nhà cung cấp có thời gian thay đổi".

Tuy nhiên, ngoài những đơn hàng đã ký hợp đồng cần phải giữ, thì doanh nghiệp luôn hiểu rằng, thị trường có quy luật của nó. Nếu như sản phẩm Việt chất lượng cao, giá cả hợp lý, được người tiêu dùng ưa chuộng, thì không siêu thị nào từ chối nhập hàng để bán. Họ mở siêu thị là để kiếm lợi nhuận, họ không dại dột bỏ qua một món hàng bán chạy.

Không chỉ riêng Big C mà còn nhiều siêu thị khác, họ cũng lựa chọn hàng hóa, sản phẩm của các nhà cung cấp đến từ khắp nơi trên thế giới. Họ sẽ lựa chọn những sản phẩm nào mang đến lợi nhuận kinh doanh cao nhất để đưa vào chuỗi siêu thị của mình.

Các nhà sản xuất trong nước phải đối mặt với cuộc cạnh tranh này, không thể cứ "đụng trận" là kêu cứu. Tất nhiên, nếu xuất hiện những yếu tố cho thấy cạnh tranh không lành mạnh, thì phải có sự can thiệp từ các cơ quan quản lý. Còn lại, hãy để cho thị trường quyết định, mọi sự can thiệp khác chỉ làm méo mó.

Trên quầy, kệ của các siêu thị hiện nay chất đầy hàng hóa mang nhãn mác của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Mỹ...ngay cả mỳ gói, nước chấm là những sản phẩm thế mạnh của VN cũng bị cạnh tranh.

Nước rửa chén, cây lau nhà, cuộn giấy vệ sinh mà không chọi lại thiên hạ thì ai cứu cho đặng đây. Cùng một loại sản phẩm, ta sản xuất trong nước, họ phải vận chuyển sang, nhưng ta cạnh tranh không lại về giá, về chất lượng, thì đừng kêu ai cứu. 

Hàng hóa Việt muốn tồn tại thì doanh nghiệp trong nước phải thay đổi, tiếp cận công nghệ, đột phá về mẫu mã, không nên chỉ dựa vào những câu khẩu hiệu "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" hoặc "dùng hàng Việt là yêu nước".

Các hiệp định tự do thương mại sẽ xóa bỏ mọi ranh giới, rào cản để tạo ra một sân chơi công bằng, sòng phẳng. Ở đó không có chỗ cho những câu khẩu hiệu làm chất xúc tác cảm tính tưới lên hàng hóa, mà là chất lượng cao. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn