MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM). Ảnh: Chân Phúc

Chấm điểm dựa vào lượt like trên Facebook là phản giáo dục

Hoàng Văn Minh LDO | 31/10/2023 12:23

Không thể nói việc chấm điểm dựa vào lượt like trên Facebook là mang tính giáo dục, hướng dẫn học sinh, tuổi trẻ học đường sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, hợp pháp.

Dư luận đang có phản ứng trái chiều quanh chuyện Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM) tổ chức cho học sinh khối 10 đi xem vở kịch "Yêu là thoát tội" ở nhà hát. Sau đó, học sinh sẽ làm bài thu hoạch theo nhóm từ 8 đến 10 em.

Bài tập này được chấm điểm theo thang 10 điểm. Trong đó, nội dung cảm nhận vở kịch (3 điểm); thiết kế đẹp (3 điểm); đăng trên Facebook và Zalo cá nhân được trên 100 like (2 điểm) và số lượt share trên trang cá nhân đạt từ 50 lượt trở lên (2 điểm).

Trả lời Báo Lao Động, ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân - nói, việc chấm điểm dựa vào lượt like trên Facebook mang tính giáo dục, hướng dẫn học sinh, tuổi trẻ học đường sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, hợp pháp.

Trước hết, phải khẳng định việc lãnh đạo Trường THPT Bùi Thị Xuân việc tổ chức cho học sinh đi xem kịch, cải lương, phim..., không phải bây giờ mà từ 7 năm qua, là hoạt động ngoại khóa quá hay, quá bổ ích và thiết thực đối với học sinh.

Việc cho học sinh đi xem phim, xem kịch rồi làm bài thu hoạch có tương tác với mạng xã hội Zalo và Facebook cũng là ý tưởng hợp thời, gần với cuộc sống, bởi học sinh THPT bây giờ không còn xa lạ với mạng xã hội.

Tuy nhiên, khi lấy số lượt share trên trang cá nhân đạt từ 50 lượt trở lên, làm căn cứ chấm 2 điểm thì chưa hợp lý. Bởi như đã nói, học sinh THPT bây giờ không ai còn xa lạ với mạng xã hội. Nhưng không phải ai cũng có ý thức cũng như thuần thục các thao tác, thậm chí cả thủ thuật để có sự tương tác, cũng như lượt like, share nhiều.

Vì muốn thành tích, có thể có bậc phụ huynh sẽ hỗ trợ con cái mình chia sẻ bài viết để tăng lượng tương tác. Vì áp lực thành tích, không loại trừ khả năng có học sinh tìm cách “mua” view để bài viết của mình có nhiều lượt like và share nhất có thể.

Những điều đó xảy ra sẽ là mầm mống cũng như vô tình “khuyến khích” các em học sinh và cả phụ huynh chú tâm vào những cuộc đua, cạnh tranh không lành mạnh, là phản giáo dục. Đây không thể nào là sự “giáo dục, hướng dẫn học sinh, tuổi trẻ học đường sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, hợp pháp” như lời ông Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú.

Muốn giáo dục cho học sinh sử dụng mạng xã hội văn minh hợp pháp, trước hết đừng bắt các em phải thi đua với những thứ vốn nằm ngoài tầm với của mình như lượt like, share trên Zalo và Facebook!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn