MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chấm dứt câu chuyện bi hài: Phạt 200 nghìn đồng

anh đào LDO | 11/02/2020 07:32

Số tiền phạt 200 nghìn đồng trong vụ sàm sỡ, ép hôn trong thang máy ở Hà Nội và vụ tấn công tình dục ở Quảng Trị, sáng qua 10.2, đã được đặt lên bàn nghị sự khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi.

Trong phiên họp thẩm tra tại Ủy ban Pháp luật, hai chữ “quá thấp” trong mức phạt tiền được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhắc tới như là một bất cập quá lớn khiến luật không còn tính răn đe.

Và Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đã dẫn lại sự phẫn nộ, bất bình của xã hội đối với số tiền phạt 200 nghìn đồng (khi đó thành trends 200k trên mạng xã hội) đối với hành vi dâm ô.

Hôm qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng dẫn ra những ví dụ phạt tiền quá thấp, chưa tương xứng với mức độ của hành vi vi phạm hành chính.

Hãy nhớ lại sự bức xúc ngày nào: Vụ “cưỡng hôn trong thang máy”: Phạt 200 nghìn đồng; Vụ biến thái, thủ dâm trên xe buýt công cộng: Phạt 200 nghìn đồng. Và  ngay cả vụ nữ đại úy công an gây rối trật tự công cộng, làm nhục người khác cũng lại 200 nghìn đồng tiền phạt. Cùng với những lời giải thích - chắc cũng không hề muốn - từ cơ quan xử phạt, rằng vì Luật quy định.

Còn nhớ sau việc phạt 200 nghìn đồng vụ “cưỡng hôn trong thang máy”, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền nhìn nhận “đó thực sự là một câu chuyện bi hài”. Và “Bi hài ở chỗ nó như trêu ngươi, thách thức trước cái gọi là sự ngay thẳng của cơ quan công quyền, sức mạnh công lý”. Sau 7 năm thi hành, Luật Xử lý vi phạm hành chính không chỉ lạc hậu, lỗi thời mà còn chứa đựng trong nó rất nhiều những phi lý với mức phạt như trò đùa, xa rời cuộc sống khiến các quy định xử phạt tiền vừa được mang ra chế nhạo, vừa gây phẫn nộ bất bình trong dư luận, khiến các cơ quan quản lý bất lực. Bằng chứng là Chính phủ, trong tờ trình sửa đổi đã đề xuất theo hướng tăng mức phạt, chẳng hạn lên tới 75 triệu đồng trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội.

Chúng ta vừa có một ví dụ về sự hiệu quả của hình phạt tiền đối với lỗi nồng độ cồn tại Nghị định 100 khiến vi phạm giảm rất mạnh. 

Một cái lạc hậu, lỗi thời để tồn tại đến 7 năm, và chỉ được phát hiện qua một vài scandal gây bức xúc dư luận gần đây - có lẽ đã là quá lâu, quá đủ... cho sự nghiêm minh của pháp luật và sự nhẫn nại của người dân. Nhưng, quan trọng hơn cả số tiền phạt, vẫn phải là việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm. Bởi số tiền phạt, dù là bao nhiêu, cũng chỉ là việc xử lý khi hậu quả đã xảy ra mà thôi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn