MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CSGT ở Phú Yên kiểm tra nồng độ cồn dịp Tết nguyên đán 2024. Ảnh: Hoài Luân

Chặn, đo nồng độ cồn, náo động cõi mạng dịp Tết nhưng bình yên cả xã hội

Thanh Hải LDO | 15/02/2024 18:03

Thay vì chứng kiến, nghe nhìn thông tin rất buồn về những vụ tai nạn thảm khốc trong những ngày Tết, thì năm nay phần lớn là tin kháo nhau về số vụ xử lý vi phạm nồng độ cồn. Khắp nơi, công an đều siết chặt công tác kiểm tra, giám sát và xử lý người tham gia giao thông sau khi uống bia rượu...

Thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đã xử lý 71.409 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 200 tỉ đồng trong 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn 2024. Trong đó, hơn 29.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý.

Ngoài các địa phương siết chặt việc kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Giang, Nghệ An... thì CSGT ở một số tỉnh còn phối hợp với công an huyện, xã, tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn về tận các làng xã, đường quê, kiệt, hẻm... Việc kiểm tra, thổi nồng độ cồn đối với người điều khiển ôtô, xe máy thậm chí diễn ra từ sáng sớm.

Đây chính là những thông tin, hình ảnh "gây náo động" mạng xã hội mấy ngày qua. Tranh cãi về hiện tượng này cũng diễn ra gay gắt, sôi nổi, kéo dài. Ai cũng thật có lý khi bảo vệ quan điểm của mình. Nhất là dịp Tết cổ truyền, việc thăm hỏi, chúc tụng nhau bằng ly rượu mừng đã trở thành nét văn hóa lâu đời.

Đặc biệt, hình ảnh CSGT "đón lõng" đầu làng, thổi nồng độ cồn từ sớm tinh mơ, đuổi bắt hoặc cứng nhắc trong xử lý một số trường hợp... đã trở thành cớ chính đáng cho nhiều phản ứng của người dân. CSGT cần điều chỉnh.

Nhưng, nếu nhìn vào con số hơn 200 vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, làm chết và bị thương gần 300 người trong năm 2023 thì mới giật mình.

Siết chặt kiểm tra nồng độ cồn dịp Tết 2024 đã kéo giảm rõ rệt về số người chết do tai nạn giao thông. Trong 7 ngày nghỉ Tết, toàn quốc xảy ra 541 vụ tai nạn giao thông, làm chết 214 người, bị thương 504 người. So với 7 ngày nghỉ Tết 2023, số người chết do tai nạn giao thông giảm gần 25%.

Đó là chưa có thống kê, so sánh khác về việc giảm thiểu các vụ gây gổ, đánh nhau, thậm chí sát hại nhau do rượu bia quá chén. Người dân đã được bình yên, vui khỏe trước tay lái trên các nẻo đường hồi hương, du lịch, thăm viếng ngày Xuân.

Không uống bia rượu, kém vui, nhưng quá chén gây tai nạn chết hàng trăm người thì nỗi buồn là cấp số nhân. Chưa kể các hệ lụy khác cho những gia đình có người xấu số.

Không ai phủ nhận việc thiếu chén rượu nồng đầu năm sẽ kém vui, nhưng cũng chưa ai đưa ra giải pháp tốt hơn để kiểm soát được việc lạm dụng khi sử dụng rượu bia, dừng được các cuộc vì vui mà quá chén.

Tết xưa chúc tụng say sưa bởi rất hiếm gia đình có phương tiện ôtô, xe máy cá nhân. Nhưng bây giờ số ôtô xe máy nhiều hơn số đầu người, nên ứng xử, luật pháp phải điều chỉnh khác.

Cấm tiệt bia rượu khi lái xe có ảnh hưởng tới nét văn hóa truyền thống, nhưng cũng giúp hạn chế rất nhiều những thói xấu như ép nhau cạn ly, chê trách nhau không uống ly rượu, bia được mời...

Văn hóa truyền thống cũng phải phù hợp với thời đại, phải gạn đục khơi trong. Vì vậy, dù có "náo động" mạng xã hội về những phản ứng trái chiều, thì việc siết chặt kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông thời điểm này là cần được ủng hộ, bởi đã đem lại bình yên cho xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn