MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nếu xây dựng thành công thương hiệu “Huế kinh đô áo dài Việt Nam” để 30-40% du khách đến Huế may áo dài thì doanh thu từ sản phẩm này có thể đạt từ 2.100 -2.800 tỉ đồng. Ảnh: Phan Thanh Hải

Chấn hưng văn hóa, trước hết đừng để xuất khẩu văn hóa mãi mãi là cơ hội

Hoàng Văn Minh LDO | 15/10/2023 22:55

Xuất khẩu văn hóa, đưa bản sắc Việt ra thế giới qua công nghiệp thời trang, chúng ta đã đặt ra từ nhiều năm trước nhưng đến nay, thành quả thu được vẫn chỉ ở mức nhỏ giọt.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo như Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8.9.2016 của Thủ tướng Chính phủ có 12 lĩnh vực mũi nhọn, trong đó có thời trang nói chung.

Yếu tố cấu thành thời trang là dệt may, nhiều năm trở lại đây luôn dẫn đầu trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Ví dụ năm 2022, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 37,5 tỉ USD, đứng thứ 3 về quy mô, sau Trung Quốc và Bangladesh.

Đến nay, hàng dệt may Việt Nam đã có vị thế tại hầu hết thị trường trên thế giới. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Đức và Trung Quốc là các thị trường tiêu thụ chủ yếu các loại hàng dệt may của Việt Nam.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là mặc dù ngành dệt may của Việt Nam xếp "top" cao thế giới nhưng xuất khẩu vải truyền thống, trang phục mang bản sắc văn hóa Việt ra thế giới lại đang trong tình trạng nhỏ giọt, là bài toán khó chưa có lời giải của ngành thời trang Việt Nam.

Ngay cả xuất khẩu tại chỗ, với những sản phẩm đầy tiềm năng, ví như Áo dài Huế, với doanh thu kiểu “đếm cua trong lỗ” - căn cứ trên lượng khách du lịch của địa phương này với mức có thể đạt từ 2.100 - 2.800 tỉ đồng/năm, đến nay vẫn còn nguyên cơ hội trên giấy dù đã đặt ra vấn đề từ nhiều năm trước.

Thực tế, trong khi nền công nghiệp văn hóa đang là “con gà đẻ trứng vàng” tại nhiều quốc gia từ hàng chục năm nay, Việt Nam vẫn đã, đang lãng phí tiềm năng.

Nguyên nhân đến từ việc, mặc dù Chính phủ đã có “Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030”, nhưng nền công nghiệp văn hóa Việt Nam vẫn chưa định hình rõ nét và đồng bộ.

Hiện nay, mô hình kinh doanh vẫn mang tính nhỏ lẻ, cục bộ ở từng lĩnh vực kể cả ở các ngành chủ lực như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, mỹ thuật...

Chất lượng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa còn thấp; năng lực cạnh tranh chưa tạo nên đối trọng để cân bằng cán cân giữa nhập khẩu văn hóa vào Việt Nam so với xuất khẩu văn hóa ra thế giới.

Ngoài nằm trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo như Quyết định số 175 của Thủ tướng Chính phủ, phát triển công nghiệp văn hóa còn là một trong 10 nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề xuất.

Nghĩa là, xuất khẩu văn hóa, đưa bản sắc Việt ra thế giới, dù tại chỗ hay ra thế giới thì về lý thuyết, chúng ta gần như có đủ các bộ công cụ. Vấn đề còn lại bây giờ là cách làm, cần được hiện thực hóa bằng các chiến lược, hành động cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa.

Chấn hưng văn hóa, dĩ nhiên rộng lớn với nhiều phần việc, nhưng trước hết hãy ưu tiên để xuất khẩu văn hóa thoát cảnh giậm chân tại chỗ với hai từ "cơ hội".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn