MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
(Ảnh minh họa)

Chặn sim, tin nhắn “rác” và trách nhiệm người đứng đầu

Đào Tuấn LDO | 26/11/2016 07:57
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã bất ngờ kiểm tra đột xuất việc cam kết thu hồi sim kích hoạt sẵn tại 3 nhà mạng là VinaPhone, MobiFone và Viettel. Và ông tuyên bố thẳng thừng “phát hiện ra sai phạm sẽ xử lý người đứng đầu, nhất là những doanh nghiệp trong ngành”.
Trong khoảng 7-8 năm qua, tin nhắn rác thực sự đã trở thành một vấn nạn. Ngân hàng, BĐS, sim số đẹp, chăn ga gối đệm, cho đến cả cách... chặn tin nhắn rác. Nó vô lý đến mức khi bị “vứt rác” vào điện thoại, người dân còn phải mất tiền để chặn rác.
Theo một thống kê của Bkav, có giai đoạn mỗi ngày có tới 13,9 triệu tin nhắn rác được phát tán. Trước mỗi dịp lễ tết, số lượng tin nhắn rác tăng đột biến không khác gì “khủng bố”.
“Tình trạng khủng bố tin nhắn rác” là từ dùng của ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương khi năm ngoái, trước Quốc hội, ông chất vấn rằng: “Mấy chục triệu thuê bao là mấy chục triệu nạn nhân, nhiều người coi đây là tình trạng khủng bố tin nhắn rác. Sim rác và tin nhắn rác thực chất là hai kẻ đồng hành và nói mãi không sao quản lý được”.
Ngay Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng chia sẻ bản thân ông cũng thường xuyên nhận được tin nhắn rác với hàng chục tin mỗi ngày.
Bộ trưởng nói đó là một vấn nạn cần ngăn chặn.
Theo các chuyên gia của Bkav, tin nhắn rác xuất phát chủ yếu từ 3 nguồn: Tin nhắn miễn phí trên môi trường mạng (OTT); các dịch vụ nội dung số và đặc biệt là sim rác.
Đã đành vấn nạn tin rác, tin nhắn lừa đảo là từ các cá nhân, doanh nghiệp phát tán tin nhắn rác, nhưng không thể không nhắc đến trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ di động. Tỉ lệ ăn chia (phổ biến ở mức 45-55% với 55% thuộc về nhà mạng) chính là câu trả lời cho lý do bao năm qua không thể dẹp nổi tin nhắn rác.

Và với việc “giơ cao ngọn roi” siết chặt sim rác, chỉ sau 3 tuần, đã có tới 10,7 triệu sim rác diện “được kích hoạt sẵn” đã bị khóa dịch vụ.

Có thể, “hiệu quả cảm xúc” chỉ là việc người dân đỡ “đau đầu”, hay bớt bức xúc trước vấn nạn “khủng bố tin rác”, nhưng hiệu quả thực sự còn lớn hơn như thế nhiều.

Đó là việc tài nguyên số không còn bị xài như rác, với giá chỉ 40-50 ngàn/sim. 

Đó là việc dẹp bỏ tình trạng thả nổi “thích thì mua, dùng xong thì vứt”.

Đó là quỹ thời gian và cả sự chịu đựng của người dân khi phải đối phó với sim rác.

Và đó còn là kỷ cương phép nước nữa.

Có vẻ, với việc buộc chặt trách nhiệm người đứng đầu trong việc quản lý sim rác, Bộ TTTT đã nhìn trúng, đã đi đúng. Bởi ràng buộc được trách nhiệm mới là cách đảm bảo một chính sách có hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn