MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng đề nghị nên bổ sung chế tài xử lý, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh: Phạm Đông

Chế tài xử lý hình sự sẽ răn đe được doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm

Hoàng Văn Minh LDO | 22/03/2024 08:32

Cần bổ sung khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự, đó là chế tài mới nhất mà các đại biểu Quốc hội đề xuất để răn đe, xử lý nghiêm các doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động.

“Nên bổ sung chế tài xử lý, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH)”, Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn TPHCM) đề xuất tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Dự kiến trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp Quốc hội thứ 7 (tháng 5.2024).

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, cần thiết kế để đi tắt, cần có một thủ tục rút gọn để bảo đảm quyền lợi cho người lao động mà không phải theo trình tự phạt hành chính, sau đó đợi 60 ngày, 80 ngày thì chủ doanh nghiệp có khả năng trốn hoặc doanh nghiệp đã phá sản hoặc đã ngừng kinh doanh lập tức tìm cách trốn không đóng BHXH cho người lao động.

Tương tự, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cũng đề xuất xem xét kỹ, cụ thể các yêu cầu và điều kiện để khởi tố hình sự đối với các trường hợp chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc.

Thực tế thì Bộ luật Hình sự hiện hành đã quy định về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215); tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động (Điều 216). Hội đồng Thẩm phán đã có Nghị quyết số 05/2019/HĐTP ngày 15.8.2019 hướng dẫn áp dụng 3 điều này.

Tuy nhiên trên thực tế, do còn hiểu khác nhau, khó khăn trong xác định hành vi, xác định yếu tố lỗi và các yếu tố khác cấu thành tội phạm giữa các văn bản, nên mặc dù tình hình chậm đóng, trốn đóng vẫn diễn biến phức tạp, nhưng hầu như chưa có vụ việc nào được đưa ra xét xử.

Vậy nên, đề xuất khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự là một bước tiến nữa trong việc tìm kiếm giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, xử lý vấn nạn trốn đóng, chậm đóng BHXH vốn đang “tràn lan” và kéo dài quá nhiều năm.

Nói là “bước tiến nữa” là bởi trước đó, tại phiên thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của kỳ họp trước (ngày 23.11.2023), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đề nghị giao cho tổ chức Công đoàn các cấp có quyền đứng ra khởi kiện chứ không chỉ là công đoàn cấp cơ sở như hiện nay.

Đồng thời quy định nếu như công đoàn đứng ra khởi kiện rồi thì không cần phải có ủy quyền của người lao động như quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. Điều này dẫn đến thực trạng gần như rất ít người lao động đủ can đảm để đứng ra ủy quyền vì sợ đủ đường.

Xử lý chưa nghiêm minh, chưa đủ răn đe… là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH – như lời ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách, Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam tại Tọa đàm Chế tài không đủ mạnh, sẽ còn nhiều doanh nghiệp trây ỳ, nợ và trốn đóng bảo hiểm xã hội do Báo Lao Động tổ chức chiều 19.3.

Và việc này không chỉ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng triệu người lao động, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Cho nên, ngoài các chế tài xử phạt hành chính, khởi kiện… như hiện nay thì rất cần, sớm có những giải pháp hữu hiệu hơn, có sức mạnh hơn như chế tài xử lý, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự để trước hết răn đe, ngăn chặn hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp, sau đó mới là xử lý nghiêm!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn