MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh chém nhau ngay tại lớp học. Ảnh: Nguồn tin cung cấp

Chém nhau đứt tay, lìa tai ngay tại lớp, học trò hay côn đồ?

Lê Thanh Phong LDO | 28/04/2023 16:07

Sáng 28.4, học sinh khối 11 Trường THPT Đông Sơn 1, Thanh Hoá xô xát, dùng hung khí chém nhau ngay tại lớp học.

Một học sinh nam đã phải nhập viện với nhiều vết chém trên người, gần đứt tai và đứt 1 ngón tay.

Cụ thể, tại lớp 11A9 xảy ra sự việc xô xát giữa hai học sinh N.H.D (sinh năm 2006) và Đ.V.M (sinh năm 2006). Sau đó, học sinh D rút hung khí (dao) chuẩn bị sẵn từ trước chém học sinh M. Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã sơ cứu học sinh M và đưa học sinh M đến Bệnh viện Đông Sơn điều trị.

Có quá nhiều vụ án liên quan đến bạo lực học đường, nhưng trong vụ này nổi lên một mối nguy lớn - đó là học sinh thủ sẵn hung khí lúc đến trường, có nghĩa là luôn trong tư thế chuẩn bị đánh nhau, sẵn sàng đâm chém.

Đang là học sinh với áo trắng sân trường, lại dám rút dao chém bạn đến đứt tai, lìa ngón tay, thể hiện tính chất côn đồ, quá nguy hiểm.

Đối với học sinh D - người rút dao chém bạn gây thương tích ngay trong lớp học, cơ quan công an sẽ điều tra để làm rõ hành vi, nếu đủ căn cứ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc là không thể nương tay với hành vi côn đồ, cho dù đó là học sinh. Nghiêm trị côn đồ trong trường học cũng là biện pháp để răn đe tình trạng bạo lực học đường nhức nhối hiện nay.

Nhưng trước thực tế một học sinh bị thương nhập viện, một học sinh đối mặt với pháp luật, người lớn phải tự kiểm điểm trách nhiệm của mình.

Nhà trường là môi trường giáo dục nhưng để cho những học sinh côn đồ sẵn sàng sử dụng dao búa ngay trong lớp học, đương nhiên là thầy cô không làm tròn trách nhiệm.

Không phát hiện được để ngăn chặn xung đột, để học sinh đâm chém nhau trong trường, chứng tỏ việc quản lý học sinh rất yếu.

Đoàn thể có đó, nhưng đã giáo dục thanh thiếu niên được gì? Tại sao Đoàn Thanh niên không nắm thông tin về các băng nhóm côn đồ, các vụ mâu thuẫn trong học sinh để báo cáo nhà trường, có biện pháp ngăn chặn, giải quyết.

Cuối cùng vẫn là cha mẹ, không dạy dỗ con cái nên người, hư thân mất nết, thì hậu quả đã rõ. Cha mẹ không dạy con cái, lực lượng công an không đủ cán bộ để làm án.

Muốn ngăn chặn bạo lực học đường, phải chấn chỉnh ba nhóm trên, gồm gia đình, trường học và đoàn thể. Cả ba cùng xắn tay vào giáo dục thanh thiếu niên, học sinh, trong và ngoài trường học.

Nhưng căn bản nhất, công sự vững chắc nhất để bảo vệ con cái khỏi thói hư tật xấu chính là gia đình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn