MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những cây thông cổ thụ vừa bị chặt hạ ngay giữa trung tâm TP.Đà Lạt. Ảnh: L.V

Chỉ cần giữ được nguyên trạng là rừng tự phát triển bền vững rồi

Thanh Hải LDO | 26/04/2021 15:31

Khánh Hòa vừa thông qua nghị quyết đầu tư cả chục tỉ đồng cho dự án bảo vệ và phát triển rừng. Nhưng vụ phá rừng tự nhiên ở chính địa phương này, bị báo chí phản ánh từ tháng 3.2021, Thủ tướng chỉ đạo, thì đến nay vẫn chưa xử lý...

Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án bảo vệ và phát triển rừng khu vực Cam Lâm với kinh phí hàng chục tỉ đồng. Đó là tin vui.

Nhưng chính quyền Khánh Hòa còn đang nợ câu trả lời với công luận, với Thủ tướng Chính phủ về vụ phá rừng tự nhiên ở chính huyện Cam Lâm mà báo chí phát hiện, phản ánh từ đầu tháng 3.2021, Thủ tướng chỉ đạo, đến nay vẫn chưa xử lý...

Thông qua nghị quyết một đề án trồng mới, bảo vệ rừng, lấy vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng từ ngân sách... là chủ trương đúng đắn, thường niên ở hầu hết địa phương. Tuy nhiên, kết quả của việc trồng mới, phủ xanh rừng theo những đề án này lại rất mơ hồ trên các báo cáo giám sát của Hội đồng nhân dân.

Thực tế, nhiều diện tích rừng trồng mới, phủ xanh đồi trọc được báo cáo lại là rừng sản xuất, trồng cây nguyên liệu... thậm chí là cây công nghiệp, cây ăn quả. Trong khi đó, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn héc ta rừng tự nhiên khác lại không được bảo vệ, liên tục bị lâm tặc tấn công, chặt hạ trái phép. Cá biệt có nhiều địa phương chủ động chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác với lý do hết gỗ, rừng nghèo...

Mới nhất, hàng chục cây thông cổ thụ, đường kính từ 40 - 72cm trên đường Trần Hưng Đạo, phường 10, giữa trung tâm Thành phố Đà Lạt bị cưa hạ mà chính quyền không bắt được thủ phạm. Những vụ "đột kích", triệt hạ nhỏ lẻ này thường xuyên xảy ra ở Lâm Đồng, cả ở các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài mục đích trước mắt là lấy gỗ, lấn đất rừng để sản xuất, rồi sau đó xây dựng trái phép, chuyển đổi sang đất thương mại dịch vụ, làm đất ở... Hậu quả cuối cùng là mất rừng trên diện tích rất lớn.

Lại có nhiều địa phương xin chuyển đổi hàng trăm héc ta rừng cho các dự án kinh tế. Như Quảng Nam, sau nhiều lần tạm dừng, cân nhắc, cuối cùng thì Hội đồng nhân dân tỉnh này cũng đã thông qua nghị quyết, cho phép chuyển đổi gần 35 héc ta đất rừng sang mục đích khác để giao cho các dự án thủy điện và xây dựng khu đô thị... Quyết định này vừa được thông qua hồi tháng 3.2021.

Thực tế, rừng mà các địa phương gọi là nghèo rồi cho chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao cho các doanh nghiệp phát triển các dự án kinh tế đã hết gỗ từ lâu. Nhưng các vị lãnh đạo đã cố lờ đi khái niệm về rừng. Bởi rừng không có nghĩa là chỉ mỗi cổ thụ, gỗ? Rừng vốn là cả hệ sinh thái, thảm thực - động vật, gồm núi đồi, đất đai, thổ nhưỡng, sông suối... ở vùng cao. Dù hết gỗ to, nhưng vị trí bị chuyển đổi đó vẫn là đất rừng. Chỉ cần bỏ hoang sau 10 năm, chính khu vực này sẽ trở thành rừng nguyên sinh trở lại. Chuyển đổi để giao cho doanh nghiệp làm dự án thì chắc chắn rừng sẽ mất vĩnh viễn.

Chỉ cần bảo vệ tốt và giữ nguyên trạng là rừng tự phát triển bền vững rồi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn