MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam.

Chỉ “còng số 8” thôi thì chưa đủ

Anh Đào LDO | 02/01/2018 12:30
Cũng thua lỗ trầm trọng, cũng đầu tư ngoài ngành theo kiểu trăm hoa đua nở, cũng “ra nước ngoài” và đứng trước nguy cơ mất trắng vốn. Nhìn bản kết luận thanh tra TKV, người ta không khỏi rùng mình nghĩ đến PVN, hay trước đó là Vinashin, Vinaline.

Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đầu tư vào Công ty Southern Mining Co., Ltd (Campuchia) với số tiền hơn 4,395 triệu USD, tương đương 77,678 tỉ đồng. Kết quả: Không có hiệu quả, khả năng mất toàn bộ vốn đầu tư.

Đầu tư vào Công ty Cổ phần Crommit Cổ Định, Thanh Hóa (VTCC) hơn 587 tỉ đồng, đã giải ngân 112 tỉ đồng, nhưng phải dừng hoạt động từ năm 2013.

Nhà máy sản xuất FeroCrom Cacbon, TKV cũng góp 314 tỉ đồng. Cuối cùng, phải dừng hoạt động từ 2014 đến nay, dẫn tới thua lỗ khoảng 113 tỉ đồng.

Đây chỉ là 3 trong vô số dự án đầu tư của TKV. Đặc điểm chung, hoặc thua lỗ, hoặc mất vốn. Cứ có cảm giác hoặc tiền bạc được coi như lá, hoặc những người có trách nhiệm hàng đầu tại tập đoàn này đầu tư để lấy lỗ, để vung tiền ra sông ra bể vậy.

Nhưng các thương vụ của TKV, một trong những quả đấm thép của nền kinh tế, cũng chỉ là bản sao của những PVN, những tổng công ty cao su, những Vinashin, Vinaline...

Liệu có thể chấp nhận được không câu chuyện chỉ đào lên và tính bán cũng sai. Chẳng hạn, TKV và các đơn vị thành viên đã hạch toán, nghiệm thu, kê khai giá tính thuế sai dẫn đến thất thoát lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Buộc Thanh tra Chính phủ phải kiến nghị xử lý, truy thu hoặc loại khỏi chi phí sản xuất hơn 754 tỉ đồng.

Việc Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra tiếp nhận hồ sơ của xem xét, điều tra, xử lý trách nhiệm đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm tại TKV và một số doanh nghiệp trực thuộc có thể dẫn tới trách nhiệm hình sự, có thể dẫn tới “còng số 8” và “nhà đá” với một số cá nhân là đương nhiên. Nhưng rõ ràng chỉ “còng số 8” thôi thì chưa đủ.

Bởi lẽ ra, sau Vinashin, Vinalines, việc xử lý hình sự các cá nhân phải gắn được với cách chỉ ra những lỗ hổng trong quản lý điều hành DNNN, thậm chí gắn với những điều chỉnh mô hình DNNN thì có lẽ đã không có những thảm hoạ PVN và giờ là TKV.

Đây là những con số khủng khiếp được Thanh tra Chính phủ nêu ra: Tổng số tiền và đất đai cần xử lý là hơn 14.882 tỉ đồng và gần 6,7 triệu mét vuông nhà đất, trong đó phải thu hồi về cho ngân sách nhà nước hơn 1.800 tỉ đồng và toàn bộ diện tích nhà đất nói trên.

Nhưng có gì đảm bảo TKV không phải là ông lớn cuối cùng gây thảm hoạ thua lỗ mất vốn nếu việc xử lý chỉ là cá thể hoá trách nhiệm của một vài cá nhân mà không đặt được ra vấn đề quản lý quyền lực của những người nắm rất nhiều tài nguyên và tiền bạc, không chỉ ra được lỗ hổng trong cơ chế đặc quyền nhưng lại lỏng lẻo trong quản lý của những “ông chủ” DNNN?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn