MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhầm lẫn ở Bình Dương cũng nên được nhìn nhận chân xác, công bằng. Ảnh: Đình Trọng

Chi nhầm tiền cho 22.000 người: Có nên "nặng nhẹ" với ông chủ tịch?

Đào Tuấn LDO | 24/10/2021 11:33

"Bò dê đi lạc vào hộ nhà… quan”, “hộ cận nghèo là ở gần hộ nghèo” - những thành ngữ thời @ này vừa được nhắc lại trước một chuyện không thể tưởng tượng nổi: chi nhầm tiền hỗ trợ cho hơn 22.000 người.

“Thanh Hóa chúng ta xuất hiện một khái niệm: hộ cận nghèo là ở gần hộ nghèo” - câu này là từ ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hoá khi bày tỏ “rất là buồn chuyện này”.

Đó là khi Thanh Hoá thực hiện chi trả gói hỗ trợ 62.000 tỉ. Và thực tế xuất hiện song song hai việc: Không ít hộ nghèo phải ký vào đơn xin không nhận tiền hỗ trợ. Trong khi, cũng không ít- những hộ “cận nghèo” nhận hỗ trợ thì nhà cao cửa rộng xe hơi.

Sai sót, nhầm lẫn, hay “đi lạc” từ con bò, con dê hay đồng tiền hỗ trợ là một thực tế rất phổ biến. Nhưng “nhầm” đến hàng ngàn, hàng chục ngàn đối tượng thì đúng là không thể tưởng tượng nổi.

Phải mở ngoặc phát biểu của ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND Thị xã Tân Uyên (Bình Dương), rằng: Trong quá trình nhập liệu, cập nhật số liệu đã phát hiện 23.029 trường hợp trùng lắp tên trong danh sách nhận. Kiểm tra, đối chiếu đã phát hiện ra 2.044 trường hợp chi nhầm với số tiền trên 1,6 tỉ đồng.

Những sự nhầm lẫn rất lớn nếu tính trên tỉ lệ % thực hiện (538.000 lượt người).

Bởi sai, nhầm thì 1 trường hợp cũng là nhiều, khi mà sự nhầm lẫn ấy tước đi cơ hội của những người đang đói khát khó khăn cùng đường vì dịch bệnh.

Cái sai, cái nhầm ấy phần nào thể hiện chất lượng hành chính công. Và cả trình độ, năng lực, trách nhiệm của những người đang thực hiện sứ mệnh an sinh rất quan trọng.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, trong vụ “nhầm” kỷ lục này cũng có những điều rất đáng để chia sẻ.

Nói như ông Chủ tịch Tân Uyên, thời điểm chi trả diễn ra trong thời kỳ “đông cứng, khoá chặt”. Diễn ra trong thời điểm lockdown dân rất khó khăn phải làm nhanh, làm kịp thời. 

Và điều quan trọng nhất, sự nhầm lẫn, cái sai được chính Tân Uyên tự phát hiện, tự khắc phục ngay khi đó.

Trong đợt dịch lần thứ 4, trước sự chậm trễ trong việc thực hiện các chính sách an sinh- đặc biệt là các gói hỗ trợ- đã có ý kiến đại ý: Việc hỗ trợ nên được thực hiện theo phương châm “thà phát nhầm hơn bỏ sót”. Điều đó nhằm để tiền chính sách đến đúng thời điểm, đúng lúc người dân khó khăn nhất. 

Mà xét ra, những sai sót- dù không thể tưởng tượng nổi- có thể chấp nhận được nếu nó không có yếu tố trục lợi, chia chác kiểu “bò dê đi lạc”.

Có một chi tiết rất hay và đáng quý trong vụ nhầm lẫn này: Sự vụ được chính đương sự công khai.

Vậy thì có nên lời qua tiếng lại "nặng nhẹ" với những vị chủ tịch- rất đàng hoàng, minh bạch- nói thẳng ra những sai sót thuộc trách nhiệm của chính mình?!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn