MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chi phí “không chính thức” - kiếp nạn của doanh nghiệp

ANH ĐÀO LDO | 30/11/2019 07:00
Trong khi phải bòn nhặt từng USD xuất khẩu mang về cho đất nước thì các doanh nghiệp (DN) đang phải chịu những “kiếp nạn” từ bộ máy công quyền ở không ít địa phương, không ít cấp, ngành. Kiếp nạn ấy có tên là “thủ tục”, là “các hành vi độc đoán”, là “chi phí không chính thức”.

Một kết quả khảo sát hơn 2.000 DN vừa được công bố trong một hội thảo do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức. Kết quả ấy - quá choáng váng - cho biết: Tỉ lệ DN xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam gặp trở ngại về các biện pháp phi thuế quan khá cao. Ngành nông nghiệp: 48%, công nghiệp: 38%; dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông: 73%; dịch vụ du lịch: 69%; và kinh khủng nhất: Dịch vụ vận tải đứng số 1 với 76%. 

Phải mở ngoặc rằng: Những “trở ngại” xuất phát từ nguyên nhân do các trở ngại về thủ tục chiếm 89%. Đối với các DN nhỏ và siêu nhỏ, trở ngại xuất phát từ sự chậm trễ liên quan do quy định gây ra và hành vi độc đoán của các quan chức liên quan đến quy định chiếm tới 86%.

Và đáng nói, trong số các “trở ngại” về thủ tục có tới 40% các trường hợp cho biết liên quan các chi phí không chính thức.

Một tỉ lệ quá kinh khủng cho một tình trạng diễn ra thường xuyên và công khai đến mức như một lẽ đương nhiên.

Từ lâu lắm rồi, nạn làm luật trên đường bộ đã trở thành một chi phí phi chính thức đè nặng các DN vận tải và là một trong những lý do khiến chi phí logistics Việt Nam chiếm tới 17 - 20% cơ cấu sản phẩm.

Còn nhớ năm ngoái, bà Nguyễn Minh Thảo - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) từng tính toán: Chi phí vận tải chiếm khoảng 59% chi phí logistics, trong đó vận tải đường bộ là chủ yếu, lên tới 77% (chi phí xăng dầu chiếm 30 - 35%, chi phí BOT chiếm 10-15%). Thêm nữa, chi phí không chính thức (từ cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, quản lý thị trường…) chiếm gần 5 -10% trong chi phí vận tải.

Chưa kể “chi phí bôi trơn” có ở hầu hết các khâu. Chưa kể các áp lực cực lớn từ lực lượng quản lý thị trường dọc các quốc lộ.

Và khi ấy, thuật ngữ “doanh nghiệp cô đơn”, tức là các DN không có bất cứ mối quan hệ nào với cơ quan quản lý, không có bất cứ thứ gì đi kèm thì hồ sơ rất dễ bị trả lại.

Chúng ta có những ví dụ kinh điển từng rằng: Cước vận chuyển một container từ Hải Phòng lên Hà Nội đắt hơn chuyển từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam.

Và gọi chúng là “nghịch lý”.

Nếu nghịch lý vẫn chỉ được nêu như một nghịch lý. Nếu riêng tiền “làm luật” chiếm tới 10% chi phí vận tải. Nếu DN cô đơn vẫn như đứa trẻ mồ côi bơ vơ không thể nương vào minh bạch thì làm sao có thể nói đến lớn mạnh hay cạnh tranh cho nổi. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn