MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chiếc thang máy và văn hoá ứng xử

MINH THI LDO | 27/06/2019 07:30
Ngày 25.6, trong khi kỳ thi THPT quốc gia đang diễn ra “nóng sốt” trên toàn quốc thì gần như mối quan tâm của nhiều người dân lại đổ dồn vào vụ ông Nguyễn Hữu Linh hầu tòa tại TPHCM vì nghi án dâm ô bé gái trong thang máy.

Ông Linh đã phải đi như chạy vào bên trong để tránh cảnh bị cánh phóng viên săn ảnh. Cho dù HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, thì trên thực tế, đã có một “bản án” như cực hình đeo đẳng cựu Phó Viện trưởng Viện KSND TP.Đà Nẵng trong mấy tháng qua và cả về sau. Có lẽ, chính ông Linh cũng không ngờ chỉ một động tác diễn ra trong khoảnh khắc từ cái thang máy nhỏ hẹp đó mà đời ông và cả gia đình ông đã hoàn toàn thay đổi; cũng như góc nhìn của xã hội vào nạn dâm ô trẻ em từ đó cũng phải thay đổi theo.

Cách đó vài tháng, chuyện xảy ra ở trong thang máy không dừng ở vụ người đàn ông “ép hôn” một thiếu nữ và bị phạt 200 ngàn đồng. Bởi lẽ, mức phạt thể hiện sự bất lực cùng khoảng trống trong luật pháp đó đã khiến cư dân mạng mang hình phạt đó ra giễu nhại.

Còn nữa, điều bất đắc dĩ khác khiến các trang báo đứng giữa lằn ranh “hết chuyện để nói” và đâu là nội dung cần phản ánh, là vụ có người tè bậy trong thang máy ở một chung cư tại Hà Nội.

Những câu chuyện xảy ra trong thang máy là câu chuyện của lương tri, dân trí và văn hóa. Nhưng chuyện quan trọng hơn là người dân chờ đợi sự bổ sung hình phạt nghiêm khắc, cũng như những điều luật mang tính phòng ngừa, ngăn chặn hơn là những tội danh nhằm xử lý chuyện đã xảy ra.

Chuyện ở trong thang máy không còn là câu chuyện của việc giám sát về mặt đạo đức, dân trí hay pháp luật, mà còn là câu chuyện của lòng tin vào công lý của xã hội. Vì sao tội xâm phạm thân thể phụ nữ và tội dâm ô trẻ em lại khó đưa ra ánh sáng như vậy?

Nhiều người gọi đó là sự xuống cấp không phanh về văn hóa và dân trí, thì đây chính là lúc các nhà cải cách giáo dục cũng nên tự soi lại mình. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn