MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chính sách mới và kỳ vọng mới

Hoàng Văn Minh LDO | 05/09/2024 08:17

Năm học 2024-2025 bắt đầu trong bối cảnh ngành Giáo dục Việt Nam đón nhận nhiều chính sách mới đầy kỳ vọng và hứa hẹn. Đầu tiên, sự kết nối trong giáo dục sẽ được thông thoáng hơn khi Bộ GDĐT quyết định bãi bỏ 12 thủ tục hành chính. Tiếp đến, một trong những điểm nhấn quan trọng của năm học này là lứa học sinh đầu tiên sẽ thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Đây cũng là năm học đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo phương án mới đáp ứng yêu cầu của đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông mang đến kỳ vọng về một thế hệ khởi đầu cho việc “Học thật, thi thật để có nhân tài thật” như yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra cho Bộ GDĐT.

Và để chuẩn bị cho kỳ vọng này, trước đó, Bộ GDĐT đã ra những quyết sách có tính cách mạng như từ năm nay ngữ liệu đề thi môn Văn sẽ không còn bám sách giáo khoa. Cùng với đó, Bộ GDĐT đã quyết định trao quyền lựa chọn sách giáo khoa (SGK) cho từng cơ sở giáo dục thay vì UBND cấp tỉnh như trước đây.

Một chính sách đáng chú ý khác trong năm học mới là việc bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp THCS. Theo quy định mới, từ năm học 2024-2025, học sinh hoàn thành chương trình THCS sẽ được cấp bằng tốt nghiệp nhưng không ghi loại giỏi, khá hay trung bình như trước đây.

Đây là những bước đi táo bạo nhằm giải quyết vấn nạn học tủ, đoán đề thi cũng như giúp trường học có sự tự chủ hơn trong việc lựa chọn tài liệu học tập phù hợp với thực tế giảng dạy.

Đặc biệt, việc loại bỏ xếp hạng trên bằng tốt nghiệp sẽ góp phần loại bỏ áp lực không cần thiết cho học sinh và tạo ra môi trường giáo dục cởi mở hơn. Khi mọi học sinh đều được coi là đã hoàn thành chương trình học cơ bản, điều quan trọng hơn là cách thức tổ chức kỳ thi vào lớp 10 sao cho công bằng, phản ánh đúng năng lực của học sinh.

Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến trái chiều và sự lo lắng không thừa xung quanh những quyết sách có tính cách mạng của Bộ GDĐT.

Các chính sách mới của Bộ GDĐT đều hướng tới một mục tiêu chung là đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, hướng đến học thật thi thật. Nhưng để đạt được hiệu quả, các chính sách này cần được triển khai với sự nghiêm túc và minh bạch từ tất cả các cấp.

Nếu việc tổ chức các kỳ thi không công bằng, khách quan; nếu việc lựa chọn SGK bị chi phối bởi lợi ích nhóm, hay việc xét công nhận tốt nghiệp THCS không được thực hiện công tâm, thì những nỗ lực đổi mới này sẽ trở nên vô nghĩa.

Và lúc đó, mọi cố gắng đổi mới bao lâu nay đều vô nghĩa, giáo dục vẫn không thể nào thực sự trở thành nền tảng vững chắc để phát triển con người toàn diện và xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh như kỳ vọng!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn