MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chính sách và sự phát triển thực sự vì con người

Hoàng Lâm LDO | 21/08/2023 15:52

Làm thế nào lưới an sinh được mở rộng? Làm thế nào để tất cả cùng được tiếp cận các chính sách một cách công bằng, đặc biệt là những người yếu thế trong xã hội? Đó là những câu hỏi mà một xã hội văn minh luôn phải tìm ra câu trả lời.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm”.

Để thực hiện nó, lại là vấn đề ban hành những chính sách. Cũng trong bài viết ấy, Tổng Bí thư đúc kết: “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Điều đó có nghĩa là: Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.

Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Đó là lý do đề xuất người đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm không đủ điều kiện hưởng lương hưu được nhận trợ cấp từ quỹ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được quan tâm và ủng hộ.
Hiện Việt Nam có hơn 14,4 triệu người già sau tuổi nghỉ hưu nhưng chỉ có 5,1 triệu người (chiếm 35%) có các chế độ hỗ trợ. Nếu đề xuất được thông qua, sẽ có hàng triệu người già có thêm trợ cấp.

Rõ ràng đây là đề xuất nhân văn nhưng tại sao bây giờ mới đưa ra bàn bạc? Thực tế là liên quan đến các Luật, trong đó có Luật Bảo hiểm xã hội và tính công bằng trong việc thực thi bảo hiểm. Ngoài ra, còn vấn đề ngân sách…

Nhưng, như Tổng Bí thư đã nói “không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”. Ngay cả khi đất nước khó khăn, cần nhiều nguồn lực để phát triển thì việc hỗ trợ đối tượng không hưởng lương hưu là việc rất cần làm và nên làm.

Điều này khẳng định sự ưu việt của xã hội và sự phát triển thực sự vì con người, không để ai tụt lại phía sau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn