MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với nguyên Chủ tịch UBND TPHCM - ông Nguyễn Thành Phong, hiện đương nhiệm Phó Ban Kinh tế TƯ. Ảnh: LĐO

Chờ các cán bộ bị kỷ luật, uy tín thấp xin từ chức

Đào Tuấn LDO | 09/07/2022 11:21

Bộ Chính trị sẽ “kiên quyết cho từ chức... đối với những cán bộ bị kỷ luật, hiệu quả công việc và uy tín thấp”. Vậy là ngay cả khi không muốn từ, các vị sẽ bị “kiên quyết cho từ chức”.

Ngoặc kép là thông tin từ phiên họp hôm qua (8.7) của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Ngày 8.7 cũng là ngày Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với Ban cán sự đảng UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2016 - 2021 và cá nhân cựu Chủ tịch Nguyễn Thành Phong hiện đương nhiệm Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Và nói đến việc từ chức, không thể không nhắc tới ông Đoàn Ngọc Hải - cựu Phó Chủ tịch Quận 2 (TPHCM) - xin từ chức, “cởi áo về vườn” vì đã không thực hiện được lời hứa “đòi lại vỉa hè cho dân”.

Cũng không thể không nhắc tới ông Bùi Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Tam An, Phú Ninh, Quảng Nam - năm 2016 đã xin từ chức. Vì “bản thân không hoàn thành tốt nhiệm vụ”, vì “tồn tại đất đai và nợ xây dựng cơ bản, chương trình đối ứng trong xây dựng nông thôn mới chưa giải quyết xong”.

Một chủ tịch xã từ chức vì không hoàn thành tốt nhiệm vụ (và không có vướng về tài chính, ngân sách gì hết). Một Phó Chủ tịch quận xin "về vườn" vì không thực hiện được lời hứa với dân. Điều đó chính là tự trọng, là khí tiết rất đáng quý, rất nên có đối với những người “phục vụ nhân dân”. Nó khác xa thời ông Đào Đình Bình - cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - phải “xin từ chức” dưới sức ép.

Nhưng vì sao những tấm gương như vậy lại hiếm đến mức đếm trên đầu ngón tay?!

PGS, TS Bùi Đình Bôn - nguyên Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương - có lần phát biểu trên Đài Tiếng nói Việt Nam: Sở dĩ cán bộ ta khó mở lời xin từ chức vì ở ta vẫn chưa có văn hóa từ chức. Thứ nữa là vì “lòng tự trọng của một bộ phận cán bộ nói chung còn thấp”.

Và TS Bùi Đình Bôn cũng thẳng thắn về “nguyên nhân sâu xa” là vì chủ nghĩa cá nhân, lợi ích cá nhân của nhiều cán bộ quá cao, dù biết rõ sai lầm, khuyết điểm của mình nhưng vẫn bất chấp, tham quyền cố vị, giữ cho được cái “ghế” vốn mang lại cho họ khá nhiều lợi ích về kinh tế, chính trị... Tình trạng này xuất hiện cả ở cấp cao lẫn cấp thấp. Mà “trên không làm gương thử hỏi làm sao cấp dưới tuân thủ”.

Với việc “kiên quyết cho từ chức”, Bộ Chính trị lần này đã rất mạnh tay trong việc thanh lọc đội ngũ cán bộ bị kỷ luật, hiệu quả công việc và uy tín thấp. Điều đó chính là để bảo vệ uy tín bộ máy, tránh, giảm tình trạng mà dân vẫn đang nói về những cán bộ bị kỷ luật vẫn về đâu đó ngồi chờ hưu là các “lớp phó”!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn