MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chờ đợi tài thao lược của các tư lệnh ngành

Lê Thanh Phong LDO | 25/03/2020 14:32

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, điều thể hiện rõ nhất ở lãnh đạo Chính phủ, các tư lệnh ngành, đó là bình tĩnh, sáng suốt, đưa ra những quyết định phù hợp để phòng dịch hiệu quả.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp chỉ huy mặt trận, và trước giặc COVID-19, Việt Nam luôn dành thế chủ động. Các tuyến phòng thủ chặt chẽ, đội quân tiên phong là cán bộ y tế, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ người dân.

Cùng với các y - bác sĩ, lực lượng quân đội tổ chức canh gác vùng biên, chăm sóc người cách ly, là toàn dân nước Việt xung trận, tham gia cuộc “chiến tranh nhân dân”, ai cũng là chiến sĩ. Dân tin dân mới đi theo.

Trong lúc nguy biến, kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, nhưng lãnh đạo các bộ ngành tỉnh táo ứng biến, thực hiện bằng được chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, được gói gọn trong bốn chữ “biến nguy thành cơ”. Tất cả phải hành động, nhưng trong một thế trận khác, trong tư thế khẩn trương của một trận đại chiến chống đại dịch. Ai cần ở yên thì hãy ở yên, ai cần chuyển động thì phải chuyển động. Động ở đây là động não, tìm ra giải pháp, hướng đi, sách lược cho kinh tế Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Xây dựng được một nền kinh tế độc lập tự chủ, ít phụ thuộc hơn, khả năng chống và thích ứng với các biến động nhiều hơn. Khơi dậy nội lực trong nước, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển, khuyến khích hàng hóa do người Việt Nam sản xuất”. Trong môi trường toàn cầu hóa, không ai làm ra được cả “rổ giá trị”, nhưng phải hạn chế tối đa sự phụ thuộc bằng cách xây dựng được nền công nghiệp phụ trợ để chủ động nguồn lực, sản xuất hàng hóa trong nước có chất lượng và sức cạnh tranh.

Bộ NNPTNT cũng chủ động trước đại dịch, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngoài thị trường truyền thống Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc, tìm giải pháp mở rộng thị trường mới, có nhiều tiềm năng như Liên bang Nga, Brazil, Ấn Độ, ASEAN.

Dịch COVID-19 một lần nữa làm tỉnh thức nhân loại về bảo vệ môi trường. Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ: “Dịch bệnh mang đến những khó khăn, nhưng đây cũng là lúc chúng ta nhìn nhận các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, đến đời sống từ môi trường, biến đổi khí hậu, để hướng tới xây dựng “nền kinh tế xanh”.

Trái đất đang bị bệnh, môi trường của Việt Nam cũng trong cơn bạo bệnh, nhận ra được mối nguy này chưa đủ, mà phải hành động để cứu chữa. “Nền kinh tế xanh” là một liều thuốc.

Chúng ta chờ đợi kết quả, và nó đến sớm hay muộn  tùy thuộc vào sự quyết tâm và tài thao lược của các vị tư lệnh ngành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn