MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng loạt xe ôtô bị chọc thủng lốp. Ảnh: Người dân cung cấp

Chọc thủng lốp hàng chục ôtô, ai cũng muốn "thay trời hành đạo" sao?

Lê Thanh Phong LDO | 11/04/2023 17:08

Liên quan đến hàng chục ôtô đỗ trên vỉa hè gần hồ Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị chọc thủng lốp vào rạng sáng 10.4, chuyên gia pháp lý cho rằng, vụ việc trên có dấu hiệu hình sự.

Trao đổi trên Lao Động, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc cố tình chọc thủng lốp xe như ở Linh Đàm sáng 10.4 là vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 về huỷ hoại và cố ý làm hư hỏng tài sản: Nếu thiệt hại gây ra từ 2 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc vi phạm có tổ chức thì có thể bị xử phạt đến 7 năm tù; trường hợp gây hậu quả thiệt hại từ 200 triệu đồng trở lên có thể bị phạt tù đến 10 năm và “kịch khung” có thể đến 20 năm nếu thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên.

Không hình sự sao được khi một người đi phá tài sản của người khác, không phải một, mà vài chục chiếc ôtô bị chọc thủng lốp. Vì vết phá lớn không thể khắc phục được mà phải thay mới, nên mỗi lốp xe mất trung bình 2 triệu đồng, vài chục chiếc mất cả trăm triệu đồng.

Xem xét kỹ lưỡng các xe bị thủng lốp cho thấy, có người hoặc nhóm người cố ý phá hoại, không phải vô ý. Không chỉ chọc thủng lốp, mà kẻ phá hoại còn dùng vật sắc nhọn cào sơn của khoảng 16 xe ôtô tại đây.

Vụ này chỉ là một trong hàng loạt vụ phá hoại ôtô xảy ra gần đây tại Hà Nội, vậy chính quyền ở đâu?

Những người phá hoại tự cho mình cái quyền "xử" những ôtô dừng đỗ ở những chỗ không được đỗ xe. Họ dùng sơn tạt, bẻ gương, rạch lốp, vẽ bậy lên thân xe. Mục đích của người phá hoại có thể là trị những xe đỗ sai chỗ, theo kiểu "thay trời hành đạo".

Một điều ai cũng nhận thấy, những người có nhà mặt tiền, có cửa hàng buôn bán coi lề đường, lòng đường như của riêng nhà họ. Ai dừng đỗ lâu là họ kiếm chuyện, kể cả phá xe.

Người đậu xe sai chỗ thì có chính quyền xử lý theo quy định của pháp luật, không ai có quyền thay chính quyền, thay pháp luật để xử lý vi phạm. Nếu ai cũng có quyền tự mình xử lý vi phạm thì không còn luật pháp.

Tuy nhiên, liên quan đến vụ việc này, cũng cần xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương. Quản lý như thế nào để cho ôtô đỗ bừa bãi và để cho những kẻ phá hoại tự tung tự tác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn