MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu chôn lấp rác thải Sông Công (Thái Nguyên). Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Chôn rác tập trung "khuất mắt người dân", vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm

Hoàng Văn Minh LDO | 05/06/2024 19:30

Chuyện xử lý rác thải thế nào để không gây ô nhiễm và lãng phí tài nguyên một lần nữa lại được xới lên trên diễn đàn Quốc hội.

Ngày 4.6, trong phần báo cáo, giải trình thêm về những vấn đề liên quan đến việc quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại mà đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà một lần nữa nhấn mạnh đến chủ trương nhất quán của Chính phủ.

Phó Thủ tướng nói về quyết tâm chuyển rác thành tài nguyên, xây dựng kinh tế tuần hoàn, tuyệt đối không sử dụng phương án chôn lấp rác. Ông cũng cho biết lộ trình là xử lý các bãi rác chôn lấp bấy lâu nay, kết hợp các hình thức công - tư để cải tạo, khắc phục bằng công nghệ phù hợp.

Thực tế thì rác thải đang là một vấn nạn về môi trường khi lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh trong cả nước khoảng 67.000 tấn/ngày.

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt, trong đó thu hồi năng lượng chỉ đạt khoảng 9,3%. Còn lại đến 64% lượng chất thải được xử lý bằng chôn lấp trực tiếp với hơn 1.200 bãi chôn lấp trên cả nước.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa), trong phần thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025 (ngày 1.6), có dùng một cụm từ rất hay là “khuất mắt người dân” khi nhắc đến thực trạng xử lý rác thải bằng chôn lấp trực tiếp, vốn đang phổ biến trong cả nước.

Không chỉ “khuất mắt” để tránh điều tiếng với dân, việc chôn rác thải tập trung còn là tác nhân gây ô nhiễm lớn hơn do chuyển ô nhiễm riêng lẻ về một chỗ.

Thực tế thì câu chuyện kinh tế tuần hoàn hay chuyển rác thành tài nguyên thay vì chôn lấp không có gì mới với thế giới qua những điển hình thành công như Dubai với slogan "Rác thải của người này nhưng lại là gia tài của người khác". Tuy nhiên tại Việt Nam, chuyện này đến nay vẫn còn rất mới mẻ.

Có một con số thống kê nữa từ Bộ TN&MT, rất thú vị bởi đầy nghịch lý và nói lên nhiều điều. Rằng, Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia có lượng rác thải hàng đầu thế giới và là nước đứng thứ tư thế giới về lượng rác thải rắn xả ra môi trường, ước tính lên tới 1,8 triệu tấn mỗi năm.

Tuy nhiên, Việt Nam lại là quốc gia nhập khẩu phế liệu đứng thứ hai thế giới với hàng triệu tấn phế liệu các loại mỗi năm!

Nguyên nhân, chỉ đơn giản là chúng ta, đúng là đang có ngành công nghiệp tái chế, với hàng triệu người làm việc trong lĩnh vực thu gom, tái chế rác thải. Nhưng ngành công nghiệp này vẫn ở quy mô hộ sản xuất, chưa hình thành được những trung tâm công nghiệp tái chế có công suất lớn, công nghệ hiện đại.

Cho nên, biến rác thành tài nguyên, như lời của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà là một quyết tâm cho lợi ích kép: Vừa giải quyết bài toán “khuất mắt người dân”, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tận dụng tài nguyên để xây dựng một nền kinh tế xanh, tuần hoàn!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn