MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ôtô, xe máy... tất cả, nghìn nghịt xếp hàng khai báo y tế ở Sơn La. Ảnh: Văn Thành Chương

Chốt kiểm soát- tưởng chỉ là "dĩ vãng" lại tái xuất hiện

Anh Đào LDO | 05/01/2022 09:40

Hàng trăm ôtô, xếp hàng dài cả km, chờ đợi suốt 2 tiếng đồng hồ khai báo y tế để được vào Thành phố Sơn La. Câu chuyện vừa hôm qua! Khi câu chuyện “chốt kiểm soát” tưởng chỉ còn là dĩ vãng sau Nghị quyết 128.

Một bài trên Lao Động đã dùng một chữ “bắt” trong ngoặc kép rất hay, để nói về chuyện chính quyền xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ bắt người dân đi làm ăn xa phải về Tết trước tận 22 ngày.

Ông Chủ tịch xã giải thích mục đích là để theo dõi sức khỏe, cách ly y tế kịp thời: "Nếu theo lịch thì phải 27-28 Tết người dân mới được nghỉ, thời gian theo dõi sức khỏe ngắn, trong khi mọi người lại đi chúc tụng khắp nơi, nguy cơ bùng phát dịch sẽ lớn”.

Nếu công văn này mà không được dỡ bỏ, 122 lao động ngoài tỉnh của xã sẽ mất 3 tuần của tháng chỉ để tuân thủ “quy định chống dịch”.

Nếu chính quyền xã nào cũng như Chiềng Yên, có nghĩa là cả nước sẽ ngay và luôn, khỏi làm ăn gì hết, nghỉ ăn Tết luôn từ bây giờ.

Nói câu chuyện giả thiết, để thấy, một chính sách từ chính quyền có sự tác động rất lớn, không thể cứ thích là làm, dẫu nhân danh chống dịch hay bảo vệ sức khoẻ tính mạng người dân.

Cũng ở Sơn La, hôm qua báo Lao Động đã ghi nhận hình ảnh đoàn hàng trăm xe ôtô phải xếp hàng, nhiều km, chờ đợi tới 2 tiếng đồng hồ làm thủ tục khai báo y tế để có thể vào thành phố Sơn La.

Cái đáng nói, là ngay bên tấm biển “giữ khoảng cách an toàn 2m”, người dân xúm xít khai báo.

Điều đáng ngạc nhiên, ở chốt kiểm soát này vẫn thực hiện khai báo giấy, đúng nghĩa bút mực, và giấy, do dù chúng ta đã có đủ thứ app khai báo y tế điện tử.

Nhưng cái đáng nói nhất là hình thức chốt kiểm soát, buộc người dân phải khai báo vẫn đang tồn tại cho dù nghị quyết 128 đã được ban hành từ tháng 10... năm ngoái.

Đành rằng, quản lý sự thay đổi (theo nghị quyết 128) cũng là một thách thức lớn.

Thách thức ấy, không chỉ là tâm thế “xác định, chấp nhận có rủi ro nhất định, khi giao lưu, tiếp xúc nhiều”.

Thách thức ấy còn là sự thay đổi trong tư duy quan chức địa phương, giữa chống dịch và phát triển kinh tế, giữa lợi ích cái ghế của riêng mình và của người dân, của địa phương của cộng đồng.

Nghị quyết 128 là một nghị quyết mở cho các địa phương, doanh nghiệp, đồng thời cũng là một nghị quyết tiếp tục điều chỉnh theo thực tế cuộc sống đặt ra. Nhưng nó không thể “mở” nếu tư duy bên dưới vẫn đóng chặt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn