MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cựu Chủ tịch Hà Nội - bị cáo Nguyễn Đức Chung (áo xanh) Ảnh: V.D

Chủ động khắc phục hậu quả là sự khôn ngoan của Nguyễn Đức Chung

Lê Thanh Phong LDO | 23/06/2022 15:08

Tại phiên tòa phúc thẩm, ở phần cuối tranh luận, ông Nguyễn Đức Chung thừa nhận "có trách nhiệm" đồng thời đã khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án sai phạm mua chế phẩm Redoxy-3C.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung chỉ đạo bị cáo Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy-3C, thông qua Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic với động cơ vụ lợi gây thiệt hại hơn 36 tỉ đồng.

Ba bị cáo Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty Arktic) và Võ Tiến Hùng (cựu Tổng giám đốc Công ty Thoát nước) đã nộp đủ tổng số tiền trên. Cụ thể, ông Chung nộp 25 tỉ, Giang khắc phục hơn 7 tỉ và ông Hùng nộp 4 tỉ đồng.

Như vậy, các bị cáo đã hoàn tất trách nhiệm khắc phục hậu quả. Pháp luật nghiêm khắc nhưng văn minh ở chỗ, xem xét từng tình tiết nhỏ nhất có thể để giảm án cho bị cáo. Trong trường hợp này, khi các bị cáo đã nộp đủ tiền từng gây thiệt hại, thì được giảm nhẹ hình phạt. Ông Nguyễn Đức Chung mức án 5 năm (giảm 3 năm); Nguyễn Trường Giang 3 năm (giảm 1 năm 6 tháng), Võ Tiến Hùng - cựu Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội còn 30 tháng tù giam (án sơ thẩm 4 năm).

Điểm đặc biệt là, mặc dù không kháng cáo, song tòa phúc thẩm tuyên giảm cho bị cáo Võ Tiến Hùng. Hội đồng xét xử xem xét từ việc thành khẩn nhận tội và thực hiện khắc phục hậu quả của từng bị cáo để lượng hình. Mục đích của sự trừng phạt cũng để cho người phạm sai lầm hướng thiện, sửa đổi, có cơ hội sớm về với gia đình và hội nhập cộng đồng.

Ngoài việc được giảm án tù trong vụ Redoxy 3C, ông Nguyễn Đức Chung và đồng phạm còn được tòa phúc thẩm tuyên hủy lệnh kê biên các tài sản trước đó của cơ quan công an.

Công dân bị kê biên tài sản khi có liên quan đến một vụ án, là với mục đích về sau, cơ quan thi hành án sử dụng tài sản đó để khắc phục thiệt hại. Cho nên, khi họ đã nộp đủ số tiền mà cơ quan tố tụng cho rằng đã gây ra thiệt hại cần phải khắc phục, thì không có lý do gì kê biên thêm các tài sản khác của họ nữa. Đó là công bằng, văn minh, là mực thước của pháp luật. Và đó là đạo lý, là nhân văn của con người.

Từ việc giảm án các bị cáo đã nêu trên, cho thấy đối với các vụ án có liên quan đến thất thoát, tham ô, tham nhũng, việc quan trọng nhất là phải khắc phục được hậu quả. Kê biên tài sản, bắt phải nộp đủ số tiền đã gây thiệt hại, lấy đó làm cơ sở giảm nhẹ hình phạt.

Bất cứ ai dù tham đến mấy cũng phải nộp tiền bởi vì "một ngày tù nghìn thu ở ngoài".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn