MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tài khoản giả mạo chùa Thuyền Lâm trên mạng xã hội Facebook để kêu gọi "cúng dường trùng tu" sau vụ hỏa hoạn tối 23.6. Ảnh: Tường Minh

Chủ động, nhanh hơn với tin thật sẽ hạn chế được thiệt hại của tin giả

Hoàng Văn Minh LDO | 27/06/2024 14:51

Bây giờ thì gần như ngày nào, trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống cũng có tin bài “đính chính” những tin giả được lan truyền trên mạng xã hội.

Mới nhất, chùa Thuyền Lâm ở thành phố Huế bị hỏa hoạn vào tối 23.6.2024. Lập tức trong ngày 24.6, đã có một trang Facebook giả mạo chùa Thuyền Lâm để kêu gọi “cúng dường trùng tu” kèm tên tuổi, chức sắc, số tài khoản ngân hàng rất chi tiết.

Trao đổi với Lao Động tối 24.6, Đại đức Thích Pháp Từ - người phát ngôn của chùa đính chính là chùa Thuyền Lâm hiện không có bất kỳ trang Facebook nào.

Hòa Thượng trụ trì chùa Thuyền Lâm cũng không dùng bất kỳ số tài khoản nào. Và chùa cũng không hề kêu gọi cúng dường dưới bất kỳ hình thức nào.

Trước đó một hôm là ở Thanh Hóa, một tài khoản mạng xã hội đăng tải thông tin và hình ảnh một phụ nữ tắm khỏa thân ở biển Sầm Sơn, nhưng sau đó được cơ quan chức năng đính chính là cắt ghép.

Dĩ nhiên, những ví dụ vừa kể, lập tức các cơ quan chức năng địa phương như Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT), Công an… đã nhanh chóng vào cuộc xác minh để có cơ sở xử lý những đối tượng hoang tin, đôi khi chỉ đùa vui, nhưng đôi khi rất vô đạo, bất chấp luân thường đạo lý để trục lợi hay vì nhiều mục đích khác.

Nhưng phải thừa nhận một thực tế là cũng giống như kiện tụng lôi nhau ra tòa, những vụ hoang tin như thế này, để chờ cho đến lúc các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, xử lý rốt ráo thì nạn nhân cũng rơi vào cảnh “được vạ má sưng” đúng nghĩa.

Bởi thiệt hại, tác hại, hậu quả, hệ lụy gần như ngay lập tức của tin giả là không thể đong đếm, rất khó lường và ảnh hưởng của nó không chỉ tới một người hay một nhóm người.

Trong khi quy định của pháp luật đối với các hành vi tung tin giả, lan truyền tin giả vẫn cần thêm thời gian để hoàn thiện, nâng cao...

Không phải ngẫu nhiên mà trong dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6) vừa rồi, khi trao đổi với Lao Động, Tiến sĩ Nguyễn Nga Huyền - chuyên gia báo chí, truyền thông, Đại học Quốc gia Hà Nội - đề xuất là các cơ quan chức năng “cách làm cần khẩn trương, quyết liệt và tốc độ hơn nữa để bắt kịp với diễn biến xuất hiện của tin giả”.

Vấn đề nữa, thực tế đã chứng minh là bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào trong thời buổi này cũng có thể là nạn nhân của tin giả vào một ngày nào đó.

Vậy nên, trong khi chờ các cơ quan chức năng “khẩn trương, quyết liệt và tốc độ hơn nữa”, mỗi chúng ta cần tự biết bảo vệ mình cũng như không hại người bằng cách hãy chậm lại một chút khi đọc và sử dụng các nút like, share… trên mạng xã hội.

Với các nạn nhân của tin giả, để hạn chế thấp nhất có thể thiệt hại, tác hại, hậu quả, hệ lụy… thì cách tốt nhất vẫn là chủ động hơn nữa, nhanh hơn nữa trong việc cung cấp tin thật cho cơ quan chức năng và các phương tiện thông tin chính thống, thay vì chờ hỏi mới nói hoặc nói ậm ừ kiểu "chúng tôi chưa thể thông tin" như nhiều vụ lâu nay!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn