MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chủ động ứng phó là cách để hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai

Lê Thanh Phong LDO | 23/04/2024 07:19

Thời tiết cực đoan, thiên tai có thể ập xuống bất cứ lúc nào, đó là điều phải đối mặt và chủ động ứng phó, không còn cách nào khác. Và với tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trái đất nóng lên, thì thảm họa thiên nhiên còn đe dọa dữ dằn hơn.

Việt Nam vẫn phải chịu đựng thiên tai thường xuyên, từ sạt lở, dông lốc, mưa đá, lũ lụt, hạn hán, vẫn “trời hành cơn lụt mỗi năm”. Có những năm khốc liệt, đồng khô cỏ cháy, thiếu nước ở miền Trung, hạn mặn Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước hết công tác dự báo phải chính xác, càng chính xác thì phòng chống càng có hiệu quả, hạn chế tối đa thiệt hại về người và của. Dự báo đúng, chính quyền địa phương và người dân sẽ chuẩn bị ứng phó, ví dụ như di dời dân khỏi vùng thiên tai. Ví dụ như có những lần, dự báo bão đúng, di dân về nơi an toàn, tàu thuyền đánh cá tìm nơi trú ẩn, ngư dân tìm cách thu gom, bảo vệ thủy hải sản nuôi trồng.

Không chỉ bão tố, lũ lụt, mà có những thiên tai rất bất ngờ, vô cùng nguy hiểm là lũ quét, sạt lở. Có rất nhiều vụ, một cơn lũ quét bất ngờ cuốn tới, một vụ sạt lở ập xuống, nhiều người bị cuốn trôi, chôn vùi. Trước những vụ lũ quét và sạt lở đó, do không thể dự báo, thì phải phòng ngừa từ xa. Quy hoạch khu vực dân cư ở những nơi thường xảy ra lũ quét và sạt lở để đảm bảo an toàn là trách nhiệm của chính quyền.

Hạn hán, mặn xâm nhập là điều không thể tránh, vậy thì phải xây dựng hệ thống cung cấp nước ngọt cho người dân để có nước sử dụng lâu dài, ổn định. Lâu nay, chống hạn cũng chỉ bằng cách đối phó tức thời, chở từng xe nước cho dân sử dụng, hoặc các nguồn cung cấp nước của các tổ chức thiện nguyện, đó không phải là kế sách lâu dài.

Về lâu dài hơn, đó là phải có một chiến lược xanh hóa đất nước. Việc phải làm ngay là ngăn chặn được nạn phá rừng, thay vào đó là trồng rừng, trồng cây xanh ở bất cứ nơi nào có thể, đó là cách để làm dịu cơn "nổi nóng" của thiên nhiên.

Để làm dịu trái đất, thế giới tập trung đến "kinh tế xanh", Việt Nam cũng lựa chọn con đường đó. Hãy ưu tiên cho các dự án phát triển đi liền với bảo vệ thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Loại trừ các dự án gây nguy hại, theo phương châm "không đánh đổi môi trường làm kinh tế".

Để hạn chế bớt sự đáp trả của thiên nhiên là giữ một đất nước sạch, không rác thải, không xả các chất thải nguy hại và rác xuống biển. Chúng ta đang có quá nhiều đô thị, địa phương đầy rác, ngập rác, thì còn phải trả giá cho hành động phá hoại môi trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn