MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chủ quan trong phòng chống COVID- 19- hậu quả sẽ vô cùng nặng nề

Lê Thanh Phong LDO | 29/07/2020 11:17
Sáng 29.7, thông tin về 8 ca bệnh mới dương tính với SARS-CoV-2 tại Đà Nẵng khẳng định thêm nguồn lây từ các bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Bệnh viện C và Bệnh viện Giao thông Vận tải Đà Nẵng.

Nhưng không chỉ ở Đà Nẵng, chúng ta phải sẵn sàng đón nhận những thông tin lây nhiễm từ nhiều địa phương khác. Đón nhận trong sự bình tĩnh, sẵn sàng ứng phó.

Nhưng phải khẳng định một điều, đợt bùng phát dịch này nếu chúng ta chủ quan hậu quả sẽ vô cùng nặng nề. 

Gần như sau những thông tin chống dịch thắng lợi, nhiều người cho rằng dịch COVID-19 đã qua đi. Không còn mấy ai quan tâm đến các thói quen trước đây như đeo khẩu trang, rửa tay.

Ngay cả các y bác sĩ ở một số nơi cũng chủ quan, không thăm khám, chẩn bệnh theo tư duy "đại dịch". Ví dụ đối với bệnh nhân 418, cảm  ho, kèm sốt về chiều, mệt mỏi, sụt ký, ăn uống kém, đến khám tư tại phòng khám trên đường Bắc Đẩu (quận Hải Châu) từ ngày 11.7, nhưng bác sĩ vẫn không chẩn bệnh nghi nhiễm COVID-19. Đến ngày 18.7, bệnh nhân vào khám cấp cứu tại Bệnh viện quận Hải Châu, tức mất đúng 1 tuần, vậy thì nguy cơ lây nhiễm cộng đồng rất cao.

Chưa hết, đến ngày 23.7, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức Tích cực Bệnh viện Đà Nẵng,  chiều 24.7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng đã tiến hành giám sát và lấy mẫu xét nghiệm. Như vậy, vì sự chủ quan, đã để một bệnh nhân COVID-19 từ ngày 11.7 đến ngày 24.7 mới xét nghiệm.

Vì chủ quan, nên các đường mòn, lối mở không bịt kín, để cho nhiều người nhập cảnh trái phép lọt vào Việt Nam.

Vì chủ quan, không "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", nên không phát hiện ra người nhâp cảnh trái phép đang ở trong các khách sạn, khu dân cư.

Khi chưa có vaccine thì không thể chủ quan, đại dịch COVID-19 có thể quay trở lại bất cứ lúc nào, 100 hay 200 ngày không lây nhiễm trong cộng đồng đều chẳng có ý nghĩa gì với con virus SARS-CoV-2. Chỉ cần một sơ hở là dịch bùng phát.

Biết sai để nhận sai, nhận sai để sửa sai. Sửa như thế nào, xin trích ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến ngày 28.7:

“Tất cả các biện pháp chống dịch phải làm rất đồng bộ, không chỉ y tế mà các lực lượng khác và toàn xã hội. Chúng ta phải hiệp đồng chặt chẽ, vận hành nhịp nhàng như một cỗ máy, từ khâu quản lý xuất nhập cảnh, rà soát các đối tượng có nguy cơ cho đến tiếp nhận bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, thực hiện các biện pháp bảo hộ, hướng dẫn khi có các triệu chứng, tổ chức xét nghiệm, cách ly… Chỉ cần một mắt xích, một con ốc vít bị lỏng, thì cả cỗ máy sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn