MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, bị công an bắt, điều tra về tội nhận hối lộ. Ảnh: Hữu Long

Chủ tịch Lâm Đồng Trần Văn Hiệp nộp 4,2 tỉ đồng chỉ là phần "nhỏ" của vụ án

Lê Thanh Phong LDO | 04/01/2024 14:36

Gia đình của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã nộp 4,2 tỉ đồng để khắc phục hậu quả vụ nhận hối lộ.

Tuy nhiên, liên quan đến Dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng, không chỉ dừng lại hành vi "nhận hối lộ" của ông Trần Văn Hiệp, mà còn nhiều hành vi vi phạm khác cần làm rõ để xử lý theo pháp luật.

Một trong những sai phạm nghiêm trọng, đó là phá hoại hàng trăm héc ta rừng.

Trong tổng số 3.595ha đất được địa phương giao cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh làm dự án, có đến hơn 1.000ha rừng, trong đó có 342ha rừng tự nhiên. Sau 13 năm, 257ha bị phá và khoảng 111ha đất rừng bị lấn chiếm.

Cuối năm 2021, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng buộc chủ đầu tư dự án phải bồi thường trên 18 tỉ đồng cho số diện tích rừng bị mất. Một con số cực kỳ vô lý, 257ha rừng bị phá "đổi ngang" với chừng đó số tiền, nhưng Công ty Sài Gòn Đại Ninh chỉ nộp 6,6 tỉ đồng.

Tạm bỏ qua chuyện bồi thường có hợp lý hay không sang một bên, để các cơ quan chức năng xem xét sau. Xin tập trung mấy vấn đề liên quan đến phá rừng.

Xin hỏi, 257ha rừng bị phá là chuyện quá lớn, công khai giữa "thanh thiên bạch nhật", tại sao chính quyền tỉnh Lâm Đồng không hay không biết. Để đến năm 2021 mới tính tới chuyện bồi thường.

Đúng ra, phải phát hiện từ sớm, ngăn chặn các hoạt động phá rừng, để không bị mất một diện tích rừng lớn như vậy.

Xin hỏi, ai lấn chiếm 111ha đất rừng mà chính quyền từ xã, huyện, lên đến tỉnh không hay biết, hoặc biết nhưng làm ngơ để cho mất đất. Trách nhiệm quản lý không chỉ một ông Chủ tịch tỉnh, mà còn nhiều cá nhân khác nữa, phải làm cho rõ.

Làm rõ trách nhiệm để tính đến việc "khắc phục hậu quả". Ông Trần Văn Hiệp nhận hối lộ bao nhiêu tiền chưa rõ, nhưng trước mắt, gia đình nộp lại 4,2 tỉ đồng, cũng chỉ là chuyện "nhỏ" trong vụ án lớn này.

Nhìn sang các vụ án khác như vụ Việt Á đang xét xử, các bị cáo Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh đều nộp lại tiền. Xem ra, xác định tiền tham nhũng hối lộ cụ thể hơn, việc bắt nộp lại cũng có căn cứ để thực hiện.

Nhưng phá tới 257ha rừng lại là chuyện khác, phải xác định thiệt hại, trách nhiệm của từng người liên quan để bắt phải bồi thường.

Đã đến lúc phải thu hồi tất cả tài sản của nhà nước, của nhân dân bị cán bộ, quan chức sai phạm làm thiệt hại, thất thoát. Không chỉ là tiền bạc, mà các loại tài nguyên, phải tính toán quy đổi thành tiền và bắt buộc phải "nộp lại", khi đó mới trị được những kẻ tham nhũng, phá hoại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn