MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
EVN quán quân về nợ "khủng": Nợ 9,7 tỉ USD. Ảnh minh họa, nguồn: VietTimes.

Chúa chổm: Không thể để kẻ đi vay, người khác trả nợ

Anh Đào LDO | 20/04/2018 13:00
 Dĩ nhiên, trong sản xuất kinh doanh chuyện nợ nần, vay- trả là bình thường. Nhưng lo nhất là nhiều khoản nợ đang đứng trước nguy cơ thành nợ xấu, thậm chí mất trắng. Hơn thế, tổng số nợ của nhiều DN lại gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu. Nguyên nhân là do quản lý yếu kém, thậm chí không loại trừ những yếu tố tiêu cực. Điều này xảy ra ở không ít DNNN, trong đó có những "quả đấm thép" một thời.

Tổng nợ phải trả của PVN, theo cáo cáo tài chính hết năm 2016 là hơn 87.483 tỉ đồng, chủ yếu là các khoản nợ dài hạn. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng chìm trong đống nợ 38.000 tỉ đồng. 12 đại dự án của ngành Công Thương đang mắc tổng số nợ lên đến 55.000 tỉ đồng, trong khi tổng tài sản là hơn 57.600 tỉ đồng.

Trong một phát biểu tại hội thảo các thành phần kinh tế Việt Nam - Vấn đề và định hướng chính sách, ngày 18.4, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - TS Trần Đình Thiên lượng hóa các khoản nợ phải trả của DNNN đang “gấp 3-4 lần vốn chủ sở hữu”. Thậm chí, có những tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang nợ gấp 10 lần vốn chủ sở hữu. Và phổ biến là tình trạng DNNN vay vốn ngân hàng quá lớn và chiếm dụng vốn lẫn nhau.

Theo Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, “hoạt động của DNNN không chỉ dẫn đến nguy cơ phá sản của chính DNNN mà còn làm tăng gánh nặng nợ của quốc gia.

Trước Quốc hội tháng 7 năm ngoái, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề rằng Nhà nước đang phải chịu trách nhiệm giải cứu DNNN thua lỗ, và trong không ít trường hợp đang phải “trợ giúp” những khoản vay ngay cả khi không có bảo lãnh.

Thực tế DNNN nợ nần quá lớn mà chưa có bất kỳ DNNN nào phá sản đang chứa trong nó chính câu trả lời cho bài toán nợ nần.

Hãy để bài toán vốn cho chính doanh nghiệp giải quyết theo nguyên tắc vay trả/chịu trách nhiệm. Hãy nghĩ tới việc để DNNN “được” phá sản như các nguyên tắc đương nhiên của kinh tế thị trường. Chứ dân nào chịu mãi cảnh nhà nước phải lo lỗ, lo nợ cho các doanh nghiệp kinh doanh bằng tài sản nhà nước và khi lỗ, nợ thì lại được “tái cơ cấu” rồi người trả nợ lại là Nhà nước (suy cho cùng lại cũng do dân trả).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn