MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm ngoái, 5 tiếng mở cửa, Chùa Hương đón 1,5 vạn du khách. Ảnh: Thành Đông

Chùa Hương dừng lễ hội: Còn 8.000 lễ hội khác?

Anh Đào LDO | 26/01/2022 14:34

Hàng ngàn con đò nằm úp, im lìm trên bờ, không ít những tiếng thở dài... khi chính quyền Mỹ Đức quyết định dừng tổ chức lễ hội, không đón khách tới chùa Hương.

Nhưng đó là việc phải làm

Cảnh dòng người “đông như chảy hội” được Lao Động ghi nhận tại động Hương Tích vào mùa lễ hội năm ngoái. Chỉ trong 5 tiếng “mở cửa” đã có 1,5 vạn du khách tới chùa Hương. Và con số dự tính trong ngày 13.3.2021, lên tới 2 vạn người.

Chùa Hương, cũng như Đền Hùng là một trong số những lễ hội lớn nhất nước, liên tục phá vỡ các kỷ lục về số người hành hương.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Phú Thọ từng công bố con số: 7 triệu lượt khách về dâng hương tại Đền Hùng. Gấp đến 5 lần dân số tỉnh Phú Thọ. Riêng ngày lễ chính có đến từ 1,5 đến 2 triệu lượt khách.

Trong tình hình dịch bệnh còn rất phức tạp, các kỷ lục ấy đồng nghĩa với tập trung đông người. Và không thể biết điều gì sẽ xảy ra nếu F0 trong đám đông, đến mức báo chí từng dùng 2 chữ “thất thủ” để mô tả ấy.

Hà Nội đã có bài học “biển người đêm trung thu”. Chính ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội sau đó đã nhìn nhận việc người dân đi chơi Trung thu rất đông là không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch của Thành phố, thậm chí "thách thức" thành quả chống dịch thời gian qua.

Quyết định của huyện Mỹ Đức nói riêng, của Hà Nội nói chung về việc tạm dừng các lễ hội, các sự kiện tập trung đông người, vì thế, là rất cần thiết.

Nhưng từ Chùa Hương, có lẽ cũng cần nhắc tới con số gần 8.000 lễ hội- theo số liệu từ Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch, không ít lần gây bão dư luận, không ít lần được đưa ra chất vấn trước Quốc hội.

Bởi, với 8.000 lễ hội, có nghĩa là mỗi ngày bình quân diễn ra tới 22 lễ hội.

Bởi, gắn kèm với con số 8.000 lễ hội ấy là sự lãng phí: Lãng phí của cải vật chất xã hội, lãng phí thời gian.

Du lịch, tín ngưỡng, tâm linh… là những nhu cầu của con người. Nhưng lễ hội không phải là sản xuất. Hành hương không tạo ra của cải vật chất…

Và từ việc Chùa Hương “đóng cửa”, có lẽ, ít nhất là ngành văn hoá cần sớm có ý kiến để các địa phương dừng những sự kiện, những lễ hội không thật sự cần thiết.

Không lẽ bắt dân về quê dịp Tết phải cách ly, không lẽ việc “mở cửa” đón khách du lịch- một nguồn cung ngoại tệ từ “ngành kinh tế không khói” thì phải chờ đến 30.4 trong khi các lễ hội thì lại nơi đóng nơi mở?!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn