MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bằng cấp không phải lúc nào cũng đi đôi với đẳng cấp giáo viên. Ảnh: Hưng Thơ

Chức danh nghề nghiệp giáo viên: Đừng tạo ra "cuộc đua" bằng cấp

LÂM CHÍ CÔNG LDO | 13/03/2021 13:04

Nếu cơ quan quản lý giáo dục liên tục nâng chuẩn về trình độ đào tạo đối với giáo viên, sẽ tạo ra “cuộc đua” bằng cấp mệt mỏi, tốn kém mà không đem lại hiệu quả, chất lượng giáo dục.

Dư luận hiện đang bàn tán sôi nổi về các quy định liên quan tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) giáo viên do Bộ GDĐT quy định tại các Thông tư mới ban hành vào tháng 2/2021 (Thông tư 01, 02, 03, 04/2021).

Theo đó, nhiều bất cập trong các quy định về tiêu chuẩn CDNN giáo viên đã được chỉ ra như sự “phân cấp” về đạo đức nhà giáo, sự bất hợp lý về nhiệm vụ của giáo viên hạng I và nhiều ý kiến cho rằng quy định về tiêu chí bằng cấp, trình độ đào tạo quá cao, không phù hợp với thực tế.

Cụ thể, tất cả các CDNN giáo viên phổ thông (từ tiểu học đến THPT) hạng I đều yêu cầu phải có bằng thạc sĩ chuyên ngành trở lên. Trong khi, trình độ chuẩn đào tạo của tất cả giáo viên phổ thông hiện hành là đại học.

Đối với giáo viên tiểu học, trước đây chuẩn đào tạo chỉ là trung cấp sư phạm, nay đã nâng lên đại học. Yêu cầu này còn cao hơn tiêu chuẩn chức danh vụ trưởng của Bộ GTVT (chỉ yêu cầu bằng đại học). Thực tế tại Nghệ An-Hà Tĩnh, tỉ lệ giáo viên tiểu học có bằng thạc sĩ chưa đến 1%.

Bằng cấp không phải bao giờ cũng đi đôi với đẳng cấp. Học sinh, phụ huynh không cần biết thầy cô giáo có bằng cấp gì, mà chỉ quan tâm thầy cô có giỏi, đạo đức tốt, tận tâm, thương yêu học sinh hay không.

Chiếu theo quy định hiện hành, nhiều giáo viên lớn tuổi, có kinh nghiệm, dạy giỏi, sáng tạo, tận tình, có nhiều thành tích xuất sắc, cũng không thể nâng lên giáo viên hạng I, nếu thiếu tiêu chí về bằng cấp (chưa có bằng thạc sĩ).

Báo chí đã phản ánh hiện tượng đào tạo tiến sĩ cho các đối tượng “tại chức” kém chất lượng, đề tài không có tính ứng dụng, xa rời thực tế, chủ yếu làm đẹp hồ sơ cá nhân. Chất lượng đào tạo tiến sĩ còn như thế, thì chất lượng đào tạo thạc sĩ các hệ chuyên tu, tại chức còn thấp hơn nữa.

Đương nhiên bằng cấp đào tạo càng cao càng tốt, nhưng bằng cấp phải thực chất, gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng công tác của giáo viên.

Nếu cứ nâng chuẩn về bằng cấp liên tục đối với CDNN giáo viên mà không chú trọng chất lượng giáo dục thì sẽ dẫn tới những “cuộc đua” bằng cấp tốn kém, lãng phí, không tạo ra công bằng và không góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Việc ban hành các chính sách, quy định của ngành giáo dục cần tổ chức theo hướng tạo động lực cho giáo viên “đua tranh” về trình độ, chất lượng chuyên môn, thay vì “đua” bằng cấp, chứng chỉ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn