MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chúng ta có thể bất chấp hay không?

Đào Tuấn LDO | 28/05/2015 08:47
Việc sửa Điều 60 Luật BHXH hóa ra phức tạp hơn những gì người lao động chờ đợi. Hầu hết các phát biểu nghị trường hôm qua đều mở đầu bằng việc ca ngợi ý nghĩa nhân văn, cái lợi của “quy phạm lương hưu”.

Có ĐBQH còn rất kiên quyết là “không sửa, không bổ sung” gì cả, với cái ý là tốt đẹp như thế, nhân văn như thế, cái lợi như vậy thì việc gì phải thay đổi. Huống chi, như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm cũng từng gây phản ứng dữ dội, có cái gì là thỏa mãn được cả 100% đối tượng. Huống chi đó là một điều luật còn chưa có hiệu lực.

Nhưng thật ra, nói như một câu rất thấm thía của Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm: “Thế nào là lợi, có lợi hay không phải đặt trong hoàn cảnh của chính những người lao động”. Trước nghị trường, bà Tâm kể lại câu chuyện ghé thăm một chợ cóc ven đường nơi những người lao động xanh xao, mệt mỏi chỉ mua nổi mớ rau, miếng đậu. Sang lắm thì được thêm quả trứng, con cá khô. Với người này một vài triệu lĩnh BHXH một lần là ít nhưng với không ít người lao động vài triệu là một tài sản mà họ phải lao động cật lực, kể cả việc “tự ăn thịt mình” từ những “bữa cơm chết đói” mới có được.

Huống chi thị trường lao động đầy bất trắc với những cạm bẫy không lường được và những ông chủ có thể sa thải lao động vì bất cứ lý do gì. Bà Tâm bảo có nghe người lao động nói, có hiểu hoàn cảnh của họ, có một lần mục sở thị cuộc sống tối tăm mới thấy suy nghĩ của người làm luật là chưa đầy đủ. Bởi thật ra, việc người lao động họ muốn có một sự an toàn, dù việc hưởng BHXH một lần, bất đắc dĩ ngay với chính họ - là chính đáng và phải được pháp luật bảo vệ.

Huống chi trong cái luật tưởng là rất tốt đẹp, nhân văn ấy còn chứa biết bao điều mà chính Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng gọi là “bất công”, là “không thể chấp nhận được”.

Có thể coi là tốt đẹp, có thể gọi là nhân văn với một đạo luật mang tới một bất công khi “2 người lao động cùng tốt nghiệp, cùng làm việc, cùng đóng BHXH như nhau và sau 30 năm thì người làm việc trong khu vực quốc doanh lĩnh lương hưu gấp 2 lần người làm ở khu vực ngoài nhà nước”?

Hôm qua, trước QH, luật sư Trương Trọng Nghĩa đã đặt ra một câu hỏi mà có lẽ sẽ không ai dám trả lời: “Có thể coi cộng đồng (những người muốn hưởng BHXH một lần) là một thiểu số mà chúng ta có thể làm ngơ? Có phải thiểu số này quá bé nhỏ mà chúng ta có thể bất chấp đến mức tước bỏ sự lựa chọn của họ?”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn