MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyện ngập Sài Gòn và khói bụi mù trời New Delhi

LÊ THANH PHONG LDO | 06/11/2019 07:00

Tuần qua, dư luận rất quan tâm thông tin đến năm 2050, hầu hết Nam bộ nằm dưới mực nước biển. Tưởng còn đâu xa như chuyện thiên thạch va trái đất vẫn thường nghe, nhưng 50 năm thì sát nách rồi, không quan tâm sao được.

Nhưng thông tin trên bị nhiều ý kiến phản bác, trong đó có quan điểm của Tiến sĩ Đàm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Xuân. Với tư là một người nghiên cứu khoa học về chủ đề thay đổi mực nước biển, là thành viên nhóm đã nghiên cứu về vấn đề nước biển dâng được ghi nhận trong khoảng thời gian 20 năm trở lại đây trong khu vực Biển Đông, khoảng từ năm 2003 - 2010, Tiến sĩ Đàm Quang Minh phân tích và kết luận thông tin không thuyết phục.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Đàm Quang Minh đưa ra một nhận xét mang tính cảnh báo, đó là tác động của sụt lún địa phương. Sụt lún các đô thị lớn tại TPHCM cũng giống như Bangkok hay Jakarta do khai thác nước ngầm quá mức và bêtông hoá tầng mặt khiến đất kém ngấm nước và giảm trương lực đã chưa được đề cập trong bài nghiên cứu.

50 năm nữa có thể không chìm trong nước biển do tác động của tự nhiên, nhưng sụt lún do tác động của con người là điều có thể. Chưa cần chìm, chỉ sạt lở trên diện rộng, nước mặn xâm nhập sâu gây nguy hại cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đủ khủng hoảng nhiều mặt.

Cho nên, bài báo trên Tạp chí Nature Communications không thừa chút nào, hãy xem nó như là tiếng chuông cảnh tỉnh để Việt Nam có những hành động ứng phó kịp thời ngay từ bây giờ.

Một thông tin khác rất hấp dẫn trên Lao Động cũng liên quan đến môi trường.

Các chuyến bay đến và xuất phát từ sân bay quốc tế New Delhi đã bị hủy hoặc phải chuyển hướng hôm 3.11 khi ô nhiễm không khí đạt tới những cấp độ không thể chịu đựng được, khiến thủ đô của Ấn Độ chìm trong khói bụi nặng nề.

Đừng tưởng đây là chuyện thế giới đó đây để giải trí, mà nó rất gần với Việt Nam. Nếu như Hà Nội không có những phương án bảo vệ môi trường có hiệu quả ngay hôm nay, thì cũng sẽ đến lúc máy bay không đáp được ở Nội Bài vì khói bụi mù trời.

Cũng xin nói thêm, bãi rác Ghazipur ở thủ đô Ấn Độ cao thêm 10m mỗi năm và hiện đã cao hơn 65m. Nhà chức trách khuyến cáo nên gắn đèn đỏ để cảnh báo máy bay bay qua. Việt Nam có nhiều núi rác, nếu không ngăn chặn thì cho dù không cao đến mức máy bay có thể đụng, thì cũng đổ sập và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Việc cấp bách là bảo vệ được môi trường sống an toàn, bền vững. Kinh tế phát triển mà kéo nhau vào bệnh viện thì có gì vui.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn