MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trước khi muốn giải cứu, sao ngành sản xuất ô tô trong nước không tính đến việc giảm giá, như ngành bất động sản đang giảm giá nhà? Ảnh: Minh Tùng

Có cần giải cứu, kích cầu tiêu dùng ô tô?

Anh Đào LDO | 12/03/2023 16:28

Sản xuất ô tô đang suy giảm và dự báo mất 37% sản lượng, tương đương 1,8 triệu xe trong 5 năm tới. Nhưng ô tô sản xuất trong nước đang bán đắt gấp đôi Thái Lan. Vậy thì sao không giảm giá, như bất động sản- trước khi đòi giải cứu?

Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công là một cái tên được nhắc tới trong văn bản UBND tỉnh Ninh Bình tới Chính phủ.

Theo đó, trong tháng 1.2023, sản lượng tiêu thụ xe của Thành công giảm 4.939 chiếc, tức là giảm tới 62,5% so với cùng kỳ.

Thành Công chỉ là một ví dụ cho “bức tranh chung” hết sức ảm đạm của thị trường ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng toàn thị trường tháng 1-2023 giảm tới 60% so với tháng trước và 54% so với cùng kỳ năm 2022.

Thậm chí, một số doanh nghiệp sản xuất ô tô đưa ra cảnh báo rất... cảnh báo: Chẳng hạn doanh số toàn thị có khả năng sụt giảm gần 17,5% so với năm 2022, tương đương tới 85.550 xe. Hoặc thậm chí: Thị trường xe ô tô có nguy cơ mất 37% sản lượng bán ra trong 5 năm tới, tương đương 1,8 triệu xe.

Và vừa xong, VAMA gửi đề xuất tới Chính phủ xin gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, xin giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước.

Thật ra đây không phải là lần đầu ngành ô tô kêu cứu, và cũng không phải lần đầu chúng ta phải “giải cứu”.

Trong năm 2020 và 2021, đã có 2 đợt giảm 50% lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất trong nước.

Số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ (đến hết 31.12.2020) khiến lượng tiêu thụ xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước gấp 2 lần so với cùng kỳ. Số thu ngân sách từ tiêu thụ xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước cũng tăng 47,1%, tương đương 11.200 tỉ đồng.

2020 và 2021 là những năm khó khăn vì đại dịch, và giảm phí trước bạ là một cách mà Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hơn là kích cầu tiêu dùng ô tô.

Nhưng hãy để ý đến nguyên nhân sự ảm đạm của thị trường. Những yếu tố tác động đến quyết định mua xe của người dân không chỉ là tiền bạc, lãi suất mà còn là xu hướng thắt chặt chi tiêu trước những dự báo còn không ít khó khăn trước mắt.

Khi bất động sản mong muốn giải cứu, Thủ tướng đã yêu cầu phải giảm giá nhà ở mức tương đối thì người dân mới đưa tiền vào.

Ngành công nghiệp ô tô cũng thế. Một chiếc ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đang bán đắt đến gấp đôi Thái Lan.

Chẳng có lý gì mà phải gia hạn thuế, giảm trước bạ để “giải cứu” khi họ không hề muốn giảm giá bán.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn