MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thanh tra TP. Đà Nẵng từng phát hiện nhiều sai phạm tại chung cư An Trung 2. Ảnh: Hữu Long

Có chính sách tốt, không thiếu tiền mà vẫn thiếu nhà ở xã hội thì xem lại trách nhiệm địa phương

Thanh Hải LDO | 20/05/2024 21:00

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa yêu cầu cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà ở xã hội, mở rộng gói tín dụng, kéo dài thời gian vay lên 10-15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 3 - 5% so với vay thương mại thông thường... hôm 17.5.

Yêu cầu này được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".

Từ năm 2021 đến nay, cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn. Trong đó, hoàn thành 75 dự án với 39.884 căn. 128 dự án khác với 115.379 căn đã khởi công.

Nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỉ đồng nhưng đến nay, các ngân hàng thương mại mới giải ngân với hơn 1.100 tỉ đồng. Nhiều tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An có tỉ lệ thực hiện nhà ở xã hội thấp so với mục tiêu.

Không phải đến bây giờ Chính phủ mới "sốt ruột", có chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Từ hơn 5 năm trước, hàng loạt chính sách ưu đãi về đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp cho công nhân, lao động đô thị đã được triển khai rầm rộ. Các bộ ngành, chính quyền các địa phương đều vào cuộc đồng bộ, tuy nhiên tiền không giải ngân được, dự án triển khai chậm.

Hầu hết ở các địa phương, doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội đều kêu khó khăn tiếp cận đất đai. Nhưng cũng chính các nhà đầu tư bất động sản, khi xây dựng các khu đô thị mới, các dự án bất động sản lại không trích quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội theo quy định.

Với nhiều ưu đãi về chính sách đất đai, vốn vay... giá bán lẽ ra phải rẻ, người tiếp cận phải là công nhân lao động, người thu nhập thấp. Nhưng thực tế thì ngược lại. Như dự án nhà ở xã hội tại Chung cư An Trung 2, Thanh tra TP.Đà Nẵng từng phát hiện 80/324 trường hợp mua nhà ở xã hội không đúng quy định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phụ trách, thu xếp tín dụng cho cả người mua, người bán. Khẩn trương chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp, nghiên cứu, xây dựng, cung cấp gói tín dụng cho người mua, mở rộng gói tín dụng.

Điều này tạo thêm điều kiện cho cả doanh nghiệp lẫn người mua. Tuy vậy, vai trò giám sát của chính quyền hết sức quan trọng. Phải kiên quyết buộc các chủ doanh nghiệp thực hiện triệt để việc trích 20% quỹ đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án bất động sản, khu đô thị mới. Thậm chí, rà soát, truy thu, quy đổi... để có đất ưu đãi xây dựng nhà ở xã hội.

Kéo dài thời gian vay (lên 10-15 năm), giảm lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 3 - 5% so với vay thương mại, tạo điều kiện cho vay vốn đơn giản, thuận lợi hơn... cho doanh nghiệp và người dân là cần thiết, nhưng quan trọng là chính quyền các địa phương phải kiểm soát xét duyệt hồ sơ, đảm bảo đúng đối tượng được mua, thì nhà ở xã hội mới có giá rẻ, người lao động nghèo, công nhân mới tiếp cận được.

Khi nào các doanh nghiệp không xem nhà ở xã hội là sản phẩm bất động sản kiếm lời thì mới thúc đẩy nhanh các dự án mang nặng tính an sinh xã hội này được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn