MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) trong giờ ra chơi.

Cô giáo quỳ gối, học sinh bị xâm hại: Giáo dục có “đánh mất” niềm tin?

QUANG ĐẠI LDO | 08/03/2018 11:00
Chưa bao giờ giáo dục chịu nhiều cú sốc như thời gian vừa qua: Cô giáo phải quỳ trước phụ huynh để chuộc lỗi, học sinh bóp cổ giáo viên, thầy giáo sàm sỡ học sinh…

Từ những vụ việc chấn động nói trên, đặc biệt là việc cô giáo phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh đến 40 phút, nhiều ý kiến bức xúc, phẫn nộ và thất vọng, cho rằng giáo dục đã suy đồi, truyền thống tôn sư trọng đạo đã bị sụp đổ. Nhiều người bày tỏ cảm xúc bi quan, thất vọng, chua xót về giáo dục.

Nhưng liệu chúng ta có nên mất niềm tin hoàn toàn vào nền giáo dục? Thiết nghĩ, những sự việc nói trên, dù rất nghiêm trọng, làm chúng ta đau xót, chấn động tâm can, nhưng vẫn là cá biệt, được gây ra bởi những học sinh và phụ huynh “cá biệt”, những “con sâu làm rầu nồi canh”.

So với hàng trăm nghìn nhà trường, hàng triệu giáo viên và học sinh trên cả nước thì những sự việc nói trên chiếm tỷ lệ rất nhỏ, và không thường xuyên. Ngay cả những nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới cũng không thể tránh được những sự cố đáng tiếc.

Nhìn toàn cục, gam màu sáng vẫn là chủ đạo của bức tranh giáo dục. Các nhà giáo vẫn miệt mài, tận tâm giảng dạy, giáo dục học sinh, giáo dục vẫn đạt được nhiều thành tích, học sinh vẫn kính trọng, yêu quý thầy cô. Truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn được cộng đồng gìn giữ, phát huy.

Bằng chứng thuyết phục nhất là sự phản ứng hết sức mạnh mẽ của cộng đồng về hành vi của phụ huynh gây sức ép buộc giáo viên phải quỳ gối.

Trên mạng xã hội, báo chí, có nhiều ý kiến đòi khai trừ Đảng với phụ huynh bắt cô giáo quỳ, yêu cầu hiệu trưởng từ chức, thậm chí đề nghị khởi tố vụ án… Cơ quan chức năng cũng đã khẩn trương vào cuộc và sẽ có kết luận, biện pháp xử lý thích đáng trong thời gian sớm nhất.

Chưa bao giờ, cộng đồng chứng kiến sự phẫn nộ sục sôi đối với hành vi xúc phạm đến sự tôn nghiêm của nhà giáo đến như vậy, mặc dù cô giáo cũng có phần lỗi. Điều đó cho thấy, nguồn mạch tôn sư trọng đạo, tâm thế kính trọng, biết ơn thầy cô giáo vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối trong cộng đồng, không bao giờ nhạt phai.

Sự phản đối, lên án của cộng đồng cũng là một hình phạt, sức ép nặng nề đối với những người đã có lỗi trong sự việc đáng tiếc nói trên, có tác dụng như “tấm khiên” ngăn cản những hành vi tương tự.

Cộng đồng nhà giáo, chắc cũng ấm lòng, khi thấy cả xã hội vẫn đứng về phía đạo đức, lương tri. Sự việc nói trên, như một “phép thử” về đạo đức xã hội, về tình cảm của cộng đồng dành cho nhà giáo.

Xin các nhà giáo hãy vững lòng, yên tâm cống hiến với nghề, và mong chúng ta, đừng vội bi quan về giáo dục, về đạo đức xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn