MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Có Luật Đấu thầu, bệnh viện chờ thông tư, người bệnh chờ thuốc

Lê Thanh Phong LDO | 25/05/2024 08:58

Bệnh nhân điều trị ở các bệnh viện, sau đó phải đi ra các nhà thuốc bên ngoài bệnh viện để mua thuốc là chuyện rất bình thường, đơn giản vì bệnh viện không có thuốc. Không chỉ đối với bệnh nhân có bảo hiểm y tế, mà các bệnh nhân khác cũng chung tình trạng.

Thời gian qua, chuyện bệnh viện thiếu thuốc được bàn đến nhiều, nguyên nhân là do các quy định về đấu thầu thuốc chưa đầy đủ hoặc chồng chéo, không phù hợp hoặc không rõ ràng, nên lãnh đạo các cơ sở y tế sợ trách nhiệm. Nếu đấu thầu thuốc, không chừng có thể không đúng quy định, người xuống tay ký duyệt “vào lò”. Giám đốc các bệnh viện thà để thiếu thuốc, chứ không thể trở thành người có hành vi vi phạm pháp luật, thân bại danh liệt.

Chính phủ đã kịp thời đưa ra nhiều biện pháp tháo gỡ bế tắc trong đấu thầu thuốc, nên gần đây đã có sự thay đổi, nhưng vẫn không đủ thuốc đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Ở nhiều bệnh viện, vẫn xảy ra tình trạng bệnh nhân đã có lịch hẹn nhưng không thể mổ vì thiếu vật tư y tế. Có những trường hợp, bệnh nhân phải được cứu chữa kịp thời, nhưng không có vật tư y tế để mổ thì sinh mạng quá mong manh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc, một phần là do những biến động về nguồn cung, rủi ro này có thể chấp nhận được. Nhưng có nguyên nhân không thể chấp nhận là một số cơ sở khám chữa bệnh còn chỉ định nhiều dịch vụ kỹ thuật, thuốc chưa thật cần thiết, có dấu hiệu lạm dụng quỹ. Tiền ít, thuốc thiếu, phải ưu tiên mua những thứ cần nhất, đó là chuyện đương nhiên, tại sao lại đi mua thứ chưa cần, chắc phải có lý do gì đây?

Không đủ thuốc còn vì nguyên nhân chủ yếu là do chưa có Thông tư hướng dẫn. Ví dụ như muốn đấu thầu với số lượng lớn vật tư, trang thiết bị y tế và thuốc, các cơ sở y tế phải chờ các thông tư của Bộ Y tế theo Nghị định 24/2024/NĐ-CP (Nghị định 24) hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu (sửa đổi). Các bệnh viện không dám mạnh tay đấu thầu thuốc vì sợ sai, sợ trách nhiệm là đúng, cho nên thiếu thuốc và vật tư y tế do chưa có thông tư hướng dẫn thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế.

Các chuyên gia pháp luật từng phân tích, trong "xã hội nghị định và thông tư", thì khi có luật phải chờ nghị định, có nghị định phải chờ thông tư. Vì thế, muốn luật pháp đi vào đời sống cần rất nhiều thời gian. Sự chuyển hóa của luật vào thực tiễn còn phụ thuộc vào các nhà soạn thảo thông tư, các sản phẩm đó được làm nhanh và đạt chất lượng hay không.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn