MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc bãi bỏ Thông tư số 23 là cần thiết và phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học 2018. Ảnh: Trang Thiều

Có "thay tên đổi họ" thì bản chất vẫn là "chương trình chất lượng cao"

Hoàng Văn Minh LDO | 21/06/2023 20:47

Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, việc bãi bỏ Thông tư 23 không có nghĩa là các cơ sở giáo dục đại học không còn - hay không được - triển khai các “chương trình chất lượng cao”.

Ngày 15.6.2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 11) về việc bãi bỏ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT ngày 18.7.2014 (Thông tư 23) quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học.

Các khóa đã tuyển sinh trước ngày 1.12.2023 (là ngày Thông tư 11 có hiệu lực) được tiếp tục thực hiện việc tổ chức đào tạo cho đến hết khóa học theo các quy định tại Thông tư 23.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc bãi bỏ Thông tư số 23 là cần thiết và phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học 2018.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục lại khẳng định: "Việc bãi bỏ Thông tư 23 không có nghĩa là các cơ sở giáo dục đại học không còn hay không được triển khai các “chương trình chất lượng cao”.

Các cơ sở giáo dục đại học vẫn được thực hiện quyền tự chủ trong việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo, nhưng dù với tên gọi là gì cũng cần đảm bảo tuân thủ các quy định về chuẩn chương trình đào tạo, về việc đảm bảo chất lượng từ đầu vào, các điều kiện dạy và học, quá trình đào tạo cho đến đầu ra, cũng như các quy định khác liên quan đến đào tạo.

Nghĩa là tới đây, các trường đại học vẫn được tự chủ triển khai các lớp học, “chương trình chất lượng cao” nhưng với những tên gọi khác, chứ không được “chất lượng cao” nữa vì Luật Giáo dục năm 2018 không có quy định chứ không phải vì chương trình này đang có nhiều bất cập trong thực tế.

“Chương trình chất lượng cao”, bắt đầu tuyển sinh rộng rãi vào năm 2014 với mục tiêu ban đầu rất hay ho là thúc đẩy năng lực cạnh tranh của sinh viên Việt Nam trên thị trường lao động khu vực.

Tuy nhiên trong thực tế triển khai, chương trình này lại được ví là "nồi cơm" của các trường đại học, đặc biệt là ngoài công lập vì có cơ chế tự chủ, thu học phí cao thay vì thu theo mức trần do Nhà nước quy định.

“Chương trình chất lượng cao” cũng chỉ khác chương trình không cao ở việc học phí thu cao hơn (có trường gấp 3 lần), tăng cường tiếng Anh và chuẩn đầu ra tiếng Anh cao hơn, lớp học ít sinh viên và trang thiết bị hiện đại cộng máy lạnh; nhưng đầu vào lại thấp hơn...

Và theo như nhận định của Kiểm toán Nhà nước trong cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo cách đây 3 năm, thì không thể gọi là chất lượng cao mà chỉ là dịch vụ cao hơn, có máy lạnh, giảng viên được tuyển chọn hơn.

Là chưa kể, chương trình này đã và đang sinh ra những mô hình “trường tư trong trường công” không giống ai - khi một trường công lập có hai chương trình với hai mức học phí khác nhau, tạo ra sự phân hoá giàu nghèo sâu sắc từ trên ghế giảng đường.

Và một sinh viên ra trường đi làm, sẽ được xã hội xác lập thêm tên gọi loại hình họ được đào tạo là chất lượng cao hay thấp, thay vì theo danh tính và trí tuệ.

Vậy là, sau gần 10 năm triển khai, "chương trình chất lượng cao" trong các trường đại học tới đây sẽ được "thay tên đổi họ" để phù hợp với Luật Giáo dục nhưng bản chất vẫn là chương trình chất lượng cao như chúng ta đã và đang thấy!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn