MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đối tượng chiếm đoạt tiền chuyển khoản nhầm bị công an bắt giữ. Ảnh: Mạnh Khá

Có thể chuyển khoản nhầm nhưng luật pháp không cho nhận nhầm

Hoàng Văn Minh LDO | 24/07/2024 16:19

Thêm một người bị pháp luật “sờ gáy” liên quan đến việc cố tình chiếm dụng tiền chuyển khoản nhầm.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Tiến Lực (sinh năm 1973; quê Quảng Ninh), để điều tra về hành vi "Chiếm giữ trái phép tài sản".

Trước đó ngày 21.10.2023, anh N.V.A, sử dụng ứng dụng smart banking của ngân hàng, đã 3 lần chuyển khoản đến tài khoản cá nhân của Nguyễn Tiến Lực, với tổng số tiền 484 triệu đồng.

Phát hiện chuyển nhầm, anh A đã tìm cách liên hệ với Lực để xin nhận lại tiền chuyển nhầm, nhưng không được. Ông Lực sau đó cũng không liên hệ với ngân hàng hay cơ quan chức năng tại địa phương để trả lại, mà dùng hết số tiền đó để trả nợ và tiêu xài cá nhân.

Tầm 10 năm trở lại đây, khi dịch vụ smart banking phổ biến, các vụ chuyển tiền nhầm và “nhận tiền nhầm” nhưng không chịu trả lại cho khổ chủ thì nhiều không đếm hết.

Tuy nhiên, việc người “nhận tiền nhầm” nhưng không trả như ông Nguyễn Tiến Lực bị khởi tố hình sự thì chưa nhiều. Các vụ bị bắt giữ, khởi tố hình sự tương tự được ghi nhận gần đây diễn ra ở Đà Nẵng năm 2018 với số tiền nhận nhầm 500 triệu đồng; năm 2019 ở Hà Nội với số tiền “nhận nhầm” 700 triệu đồng; năm 2020 tại TPHCM với số tiền “nhận nhầm” hơn 1 tỉ đồng…

Điều này dẫn đến một nghịch lý là hễ đâu đó có chuyện người “nhận tiền nhầm” bất ngờ trả lại cho người chuyển nhầm, dù ít hay nhiều thì lập tức các phương tiện truyền thông “lên bài” ngợi ca, địa phương hoặc cơ quan chức nằng tổ chức khen thưởng, tuyên dương. Trong khi đáng ra đây phải là chuyện bình thường kiểu “nhặt được của rơi trả người đánh mất” như bài học đạo đức vỡ lòng từ hồi mẫu giáo.

Việc làm của ông Nguyễn Tiến Lực, không chỉ dừng lại ở hành vi vi phạm pháp luật mà còn một lần nữa là hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức và trách nhiệm xã hội của mỗi một công dân.

“Nhận tiền nhầm” rồi rút ra tiêu xài, thậm chí có người còn bỏ trốn khỏi nơi cư trú thay vì trả lại, còn gián tiếp gây mất niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính và lòng tin lẫn nhau giữa người và người.

Một đồng cũng là chiếm đoạt tài sản. Nhưng nhan nhản trên mạng là những câu chuyện "nhận nhầm" từ vài chục triệu đến vài trăm triệu, thậm chí tiền tỉ. Rõ ràng biết người, biết mặt (qua ngân hàng) nhưng không đòi được tiền là quá vô lý, không chấp nhận được.

Vậy nên, việc Công an thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Tiến Lực là sự nghiêm khắc rất cần thiết, minh chứng cho việc pháp luật không khoan nhượng đối với những hành vi thiếu trách nhiệm và vi phạm đạo đức như vậy.

Tiền thì có thể chuyển nhầm hoặc “nhận nhầm”, nhưng đạo đức và trách nhiệm xã hội thì không nên, không thể nhầm được bởi có nguy cơ đối diện với án tù!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn