MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dù còn nhiều khó khăn nhưng các thầy giáo vẫn kiên trì bám trường, bám lớp gieo chữ cho các thế hệ học sinh "nơi cùng trời" Yên Bái. Ảnh: Văn Đức

“Có thực mới vực được đạo” và đạo lý của người làm thầy

Lê Thanh Phong LDO | 20/11/2021 06:48
Báo Lao Động ngày 19.11 có bài “Những thầy giáo “nơi cùng trời” Tây Bắc” kể câu chuyện về người thầy gắn bó đời mình ở những vùng đất xa xôi, khó khăn để dạy chữ cho đời. Đọc những câu chuyện về những người thầy ở Mù Cang Chải - Yên Bái, để thấy yêu mến và quý trọng về nhân cách, sự hy sinh thầm lặng của họ.

Thêm một điều nữa, đó là lòng biết ơn. Không có sự hiện diện của người thầy, không có một con chữ nào được gieo xuống ở những nơi hoang vu hẻo lánh.

Xin hãy đọc một đoạn miêu tả về con đường đến điểm trường Kể Cả - nơi ăn ở và học tập của 104 học sinh dân tộc Mông của 3 bản Kể Cả, Háng Tày và Pú Vá: “Để đến được đây, người dân phải đi từ trung tâm xã xuyên qua các dãy núi cao hơn 20km đầy khó khăn, hiểm trở. Những đoạn cua tay áo, khúc khuỷu, đường nhỏ chỉ vừa xe máy để đến được điểm trường này”.

Kể Cả chỉ là một điểm trường của rất nhiều điểm trường tương tự ở những vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo của đất nước. Ở những nơi đó, có nhiều thầy cô giáo sống trong khó khăn, thiếu thốn và hiểm nguy để thực hiện sứ mệnh trồng người.

Những thầy cô dấn thân đến bản làng heo hút có đòi hỏi gì không? Câu trả lời là không và nếu có, đó cũng là đòi hỏi cho học trò của mình hơn là vì mình. Họ không có thu nhập nào ngoài đồng lương, không có dạy thêm dạy kèm. Có nơi, thầy cô bớt đi đồng lương ít ỏi của mình để chia sẻ với học trò, cho bữa ăn của các em có thêm dinh dưỡng.

Cha ông xưa nói một điều chí lý là “có thực mới vực được đạo”. Nhưng hãy quan sát từ thực tế, sẽ thấy rằng, thầy cô giáo của chúng ta tuy “thực” chưa có được đầy đủ, nhưng vẫn giữ được đạo làm thầy. Chúng ta có một đội ngũ thầy cô yêu nghề, giỏi nghề và chịu hy sinh. Họ không toan tính nhiều đến vật chất, họ chấp nhận “giật gấu vá vai” như người lao động ở những ngành nghề khác. Họ sống thanh cao, mực thước và luôn giữ được đạo làm thầy.

Nhưng chúng ta không thể để cho người thầy giữ đạo mà không đủ “thực”, ít nhất là đối với những người dấn thân cho việc gieo chữ ở những nơi khó khăn như Mù Cang Chải. Cần có chế độ đãi ngộ đặc biệt để những người thầy ở vùng xa xôi, hải đảo yên tâm bám trụ, bền bỉ với nghề nghiệp.

Sự bền bỉ của người thầy ở những nơi gian khó chính là sự bền bỉ của con chữ được gieo trồng nơi đây. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn