MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường Quân sự Quân khu 7 phối hợp Trường HUFLIT tổ chức họp báo thông tin vụ việc vào ngày 12.1. Ảnh: Chân Phúc

Coi chừng bóc lịch vì thói ưa làm "thẩm phán" mạng xã hội

Lê Thanh Phong LDO | 16/01/2023 11:23
"Tay nhanh hơn não" là câu để nói về những người "like dạo" trên mạng xã hội, hoặc chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng, thậm chí bình luận, chửi bới một cá nhân, tổ chức mà bản thân không biết được thực hư.

Ngày 14.1, Cơ quan điều tra hình sự Quân khu 7 công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự các đối tượng đưa thông tin sai sự thật qua việc phát tán clip cho rằng "sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) đang học giáo dục quốc phòng - an ninh tại Trường Quân sự Quân khu 7 nhảy lầu tự tử do bị xâm hại".

Cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu tội phạm “Tội đưa trái phép thông tin mạng máy tính” quy định tại khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự; căn cứ Điều 36; Điều 143; khoản 1 Điều 153; Điều 154 Bộ luật tố tụng hình sự - quyết định khởi tố vụ án hình sự "Tội đưa tin trái phép thông tin mạng máy tính".

Người quay và đưa clip có thể vô tình, nhưng cắt ghép, chỉnh sửa vì mục đích xấu là chuyện khác.

Về vụ phát tán clip nêu trên, cơ quan chức năng đã xác định được các đối tượng trực tiếp chỉnh sửa, đăng tải, phát tán các clip chưa được kiểm chứng trên các nền tảng mạng xã hội.

Ngay sau khi clip được chỉnh sửa có chủ ý lan truyền, nhiều người xem và tin ngay đó là sự thực, không cần kiểm chứng, nhảy vào like, tiếp tục phát tán, có người làm "thẩm phán" kết luận hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức liên quan, bất chấp sự thật khách quan.

Đã có nhiều vụ việc cá nhân, tổ chức bị dựng chuyện trên mạng xã hội, lập tức vô số "thẩm phán" xuất hiện chửi bới, luận tội, kết tội. Nạn nhân phải chịu những búa rìu dư luận, không biết kêu ai, không ai bảo vệ.

Có nhiều vụ việc, nạn nhân là doanh nghiệp, sản phẩm của họ bị "vu oan giá họa", mất khách hàng, thậm chí bị tẩy chay, thiệt hại rất lớn. Ngay cả khi minh oan được rồi thì cũng không thể vực dậy nổi vì dư luận đã nhấn chìm thương hiệu. Không ai bảo vệ, không ai chịu trách nhiệm, không ai bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp bị tấn công oan khuất trên mạng xã hội.

Cho nên, đã đến lúc phải bảo vệ công dân, cá nhân, tổ chức trước những rủi ro trên mạng xã hội. Việt Nam có đủ hệ thống luật pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, không thể để cho bất cứ ai xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngay cả trên các nền tảng mạng xã hội.

Cũng đã đến lúc, cộng đồng cần nhận thức, phải chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia mạng xã hội. Đó không chỉ là tự bảo vệ mình mà là thái độ ứng xử văn minh, nhân văn của mỗi công dân.

Làm "thẩm phán" mạng xã hội có ngày trở thành bị cáo thiệt, không ảo đâu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn