MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tới thời điểm này, Viettel là doanh nghiệp nhà nước duy nhất nhảy vào lĩnh vực ứng dụng gọi xe với MyGo - một mô hình kinh doanh mới thuộc kinh tế số. Ảnh: VnReview.

“Cởi trói” cho doanh nghiệp nhà nước đầu tư mạo hiểm

Thẩm Hồng Thụy LDO | 30/09/2019 18:53

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành thể hiện nhiều điểm mới về kinh tế số, đầu tư mạo hiểm... 

Vấn đề mới ở đây không chỉ thể hiện ở việc đặt ra những mục tiêu khái quát hay  mục tiêu cụ thể như đến năm 2025 Internet băng thông rộng phủ 100% các xã; kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung... Đến năm 2030 mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp; kinh tế số chiếm trên 30% GDP...

Nét mới của Nghị quyết chính là tầm nhìn, quan điểm chỉ đạo. Đó là tầm nhìn về thời đại Internet với nền kinh tế số đang bùng nổ trên toàn cầu và xu thế cách mạng Công nghiệp 4.0 đang trở thành tất yếu.

Theo nghiên cứu của Google và Temasek, giá trị nền kinh tế số của Việt Nam chỉ với 4 lĩnh vực là di chuyển (taxi, xe ôm công nghệ, giao hàng, giao thức ăn), thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến và du lịch trực tuyến sẽ đạt 33 tỉ USD vào năm 2025.

Việt Nam đang trở thành một trong vài quốc gia có nền kinh tế số  bùng nổ sôi động nhất tại khu vực Đông Nam Á với các mô hình kinh doanh mới O2O (online to offline) như Grab, Go-Viet, Be, FastGo; các sàn thương mại điện tử...

Không chỉ dừng lại ở tầm nhìn về nền kinh tế số, Nghị quyết còn đề cập đến một vấn đề rất “tâm tư” đối với các doanh nghiệp nhà nước lâu nay, đó là tạo ra cơ chế cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Hãy nhìn vào các mô hình kinh doanh mới của nền kinh tế số tại Việt Nam kể trên trong 5 năm trở lại đây, hầu hết đều thuộc về các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân, đầu tư nước ngoài, dường như không có doanh nghiệp nhà nước.

Vì sao vậy? Bởi vì không có cơ chế, doanh nghiệp nhà nước sẽ e ngại, hay nói đúng hơn là chẳng dại gì đổ tiền vào đầu tư mạo hiểm hay khởi nghiệp với các mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo mà trong rất nhiều trường hợp phải “đốt tiền” rất nhiều trong dài hạn từ 3-5 năm vẫn phải “lỗ trong kế hoạch”.

Tiền nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp gây ra thua lỗ như thế cho dù là đầu tư mạo hiểm hay khởi nghiệp sáng tạo với mô hình kinh doanh mới, cũng rất dễ bị qui thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng, gây thất thoát tài sản nhà nước... đối mặt với án phạt, tù tội.

Trong nền kinh tế có tổng GDP tính theo giá năm 2018  là 5.535,3 nghìn tỉ đồng, kinh tế quốc doanh vẫn đang giữ vai trò chủ đạo, với tỉ trọng cao, tuy nhiên ít xuất hiện các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vì nguyên nhân phần lớn là chưa có các cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp nhà nước thành lập các quĩ riêng, chuyên biệt cho các lĩnh vực, như đầu tư mạo hiểm, khởi nghiệp sáng tạo...

Có thể tham chiếu từ Temasek, một tập đoàn nhà nước của Singapore, nhưng được cơ cấu rất đa dạng, trong đó có những quĩ đầu tư mạo hiểm chuyên rót vốn vào  các mô hình kinh doanh mới, các startup công nghệ tại nhiều quốc gia Đông Nam Á gồm cả Việt Nam.

Doanh nghiệp nhà nước có cơ chế để thực hiện đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ tạo thêm động lực phát triển và tăng trưởng cho nền kinh tế.

Nền kinh tế số hoạt động với phương thức phi truyền thống, hay nói đúng hơn là ứng dụng các nền tảng công nghệ mới vào nền kinh tế truyền thống tạo ra những mô hình kinh doanh mới, qua đó tiết giảm được rất nhiều chi phí, có độ lan tỏa mạnh mẽ giúp mở rộng dung lượng thị trường, từ đó nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn