MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Còn làm việc cầm chừng, sợ sai sẽ không có đột phá, sáng tạo nào

Thanh Hải LDO | 11/05/2023 18:46

Không có câu trả lời cụ thể nào từ chính quyền thành phố Đà Nẵng sau những phản ánh của các đại biểu, diễn giả nói về khó khăn về thủ tục hành chính khi làm phim...

Khi đăng cai tổ chức liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất (từ 9-13.5), Đà Nẵng đã tuyên bố sẽ tạo dựng thêm một thương hiệu sự kiện quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh, góp phần thúc đẩy sự hội nhập và phát triển của điện ảnh Đà Nẵng, Việt Nam.

Thậm chí có đề xuất "biến Đà Nẵng trở thành phim trường", để hấp dẫn các nhà làm phim. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được, nếu quyết tâm.

Nhưng làm sao để thu hút các nhà làm phim đến với Đà Nẵng? Làm sao để Đà Nẵng có thể trở thành một phim trường trong tương lai, thì chưa có lời hứa, câu trả lời thích đáng nào.

Tại Hội thảo “Phát triển công nghiệp điện ảnh - Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng” vừa diễn ra chiều 10.5, đã có nhiều ý kiến rất cụ thể, nêu ra khó khăn khi làm phim, nhưng không được giải đáp, dù là một lời hứa.

Các chuyên gia, nghệ sĩ, nhà làm phim cho biết, trong khi các nước ở khu vực có nhiều chính sách hỗ trợ, thậm chí miễn thuế trong 5 năm cho các nghệ sĩ, đoàn làm phim, thì Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể như miễn thuế hoặc cho vay lãi suất ưu đãi để sản xuất phim.

Thậm chí, khi đến chọn bối cảnh quay, mỗi địa phương lại có giấy phép con khác nhau, là rào cản hạn chế sáng tạo nghệ thuật.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng GĐ Cty BHD cho biết, bên Hàn Quốc làm thủ tục xin giấy phép tập trung 1 đầu mối và xin 1 lần là xong. Nhưng ở nước ta thì mỗi nơi mỗi khác, phải nhiều lần đi xin thủ tục cho từng bối cảnh quay.

Khi sản xuất phim, đoàn phim phải lấy giấy phép của UBND TP, Sở Văn hóa - Thể thao, rồi làm việc ở các địa điểm cụ thể lại phải lấy giấy phép của Công an phường, UBND phường, của Sở GTVT hoặc Cty Công viên cây xanh - nếu liên quan đến cây cối, đường sá... Một bộ phim quay 10 bối cảnh, thì nhà làm phim phải làm 10 giấy phép, khó khăn và mất nhiều thời gian.

Nhiều ý kiến tại Hội thảo mong muốn mỗi địa phương nên có những chế độ riêng, chính sách riêng để khuyến khích, thu hút nhà làm phim đến với mình.

Thế nhưng, có nêu ra thì cũng chỉ để cùng nghe mà thôi. Bởi, đại diện chính quyền TP.Đà Nẵng, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, lãnh đạo Đà Nẵng cũng rất trăn trở để phát triển văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng. Nhưng hiện Đà Nẵng cũng đang “chật vật” trong việc xây dựng những cơ chế, chính sách đó.

Không có câu trả lời cụ thể, và cũng không dám hứa hẹn gì thêm, bà Yến chỉ cho biết là Đà Nẵng vẫn bám sát chỉ đạo của Trung ương theo hướng phát triển điện ảnh vừa là ngành điện ảnh, vừa là ngành kinh tế.

Sự kiện văn hóa - điện ảnh DANAFF I -2023, có thể nói là một "cơ hội" của Đà Nẵng để có thể hiện thực hóa khung pháp lý mà Luật Điện ảnh vừa có hiệu lực. Thực tiễn bao giờ cũng có trước các chính sách, nhưng đồng thời cũng điều chỉnh và cụ thể hóa các chính sách của pháp luật.

"Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" thì mới có sáng tạo, mới có sự bứt phá để phát triển. Nếu cứ sợ sai, không dám quyết, không dám làm, chỉ dựa vào những hướng dẫn, "dựa khung pháp lý"... như cách nói của bà Yến, thì sẽ khó có sự đổi mới, thúc đẩy phát triển nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn