MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong đại dịch COVID-19 năm ngoái, hơn 32 triệu dân, tức 1/3 dân số bị ảnh hưởng việc làm và thu nhập. Riêng những người hưởng lương và trợ cấp xã hội thực tế phải “nhịn tăng lương” việc tăng lương bị “hoãn” năm ngoái. Ảnh minh hoạ. Nguồn: LĐO

Còn phải “nhịn” tăng lương đến bao giờ nữa?!

Đào Tuấn LDO | 25/03/2021 06:30

Một trong hai phương án tăng lương, trợ cấp xã hội Bộ LĐTBXH đang lấy ý kiến có thời điểm bắt đầu là 1.1.2022. Nếu được chấp nhận, nó đồng nghĩa với việc lương không tăng suốt 2 năm 2020 và 2021.

Tháng 11 năm ngoái, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm đã có cuộc tranh luận trước Quốc hội với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về mức lương quá thấp của người nghỉ hưu.

“Các đối tượng nghỉ hưu trước 1993 đa số là tham gia kháng chiến, đã cống hiến cả tuổi thanh xuân” - bà Tâm nói.

Với lý do nghỉ hưu trước tuổi khiến lương thấp, bà Tâm cũng nhấn mạnh là vì họ thực hiện chính sách của Chính phủ để tinh gọn bộ máy… dẫn đến “thiệt thòi rất lớn dù cống hiến rất nhiều”.

“Tôi thấy ý chí của Bộ trưởng đưa ra không rõ. Sẽ đề xuất, đề xuất lúc nào? Còn lại bao nhiêu người khi (thời gian) các đồng chí đó không còn nhiều”.

Hàng trăm nghìn người đang vật lộn với cuộc sống khó khăn và bệnh tật tuổi già với cái gọi là lương hưu.

Đúng là day dứt. Với mức lương thấp nhất chỉ 3 triệu. Nhưng day dứt không chỉ ở việc “Lương 3 triệu thì sống bằng gì?”. Mà ở món nợ ở sự công bằng chính sách. Chúng ta không thể đối đãi với những người đã đóng góp cả cuộc đời với mức lương quá bọt bèo như thế được.

Bởi sự thật, 3 triệu chưa phải là mức lương hưu thấp nhất. Ở Nghệ An, có 730 nông dân đang hưởng lương hưu dưới 1 triệu đồng. Có người, chỉ 350 nghìn đồng.

Cả nước, theo Bảo hiểm xã hội, có hơn 3.200 người hưởng lương hưu dưới 1,5 triệu đồng/tháng. Phần lớn là cán bộ xã chuyên trách, giáo viên mầm non.

Và có lẽ không thể không nhắc lại những giọt nước mắt của cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh với 1,3 triệu đồng lương hưu sau 37 năm tận tụy cống hiến. 1,3 triệu đồng, có nghĩa là còn chưa bằng chuẩn nghèo nông thôn mới theo nghị định 07 (1,5 triệu đồng).

Câu hỏi “sống bằng gì”, thật ra không chỉ đối với người về hưu. Trong đại dịch COVID-19 năm ngoái, hơn 32 triệu dân, tức 1/3 dân số bị ảnh hưởng việc làm và thu nhập. Riêng những người hưởng lương và trợ cấp xã hội thực tế phải “nhịn tăng lương” việc tăng lương bị “hoãn” năm ngoái.

Đó, không thể nói khác, là sự hy sinh để dành nguồn lực cho chống dịch, hy sinh vì những mục tiêu chung.

Nhưng thành quả phát triển có ý nghĩa gì nếu người thụ hưởng không phải là dân?

Mọi chi phí thiết yếu xăng dầu, điện nước, lương thực… thì “tăng” ngay, tăng luôn vì… cơ chế thị trường, còn việc tăng lương thì lại… hoãn, lại có phương án để đến 2022.

Sẽ còn lại bao nhiêu người hưu trí sau 1 năm nữa? Dân sẽ phải sống thế nào nếu ngay cả mức “tăng” bù đắp lạm phát cũng có kế hoạch để sang 2022?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn